Công ty Evraz của tỷ phú Nga Roman Abramovich đang vào cuộc tranh mua cổ phần khống chế của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel).
Một số công ty của Nga và Nhật đang xem xét khả năng mua cổ phần khống chế của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel).
Cụ thể, đó là các công ty Evraz của tỷ phú Nga nổi tiếng Roman Abramovich và NLMK của Vladimia Lisin. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các công ty Nhật Bản: Nippon Steel, Tokyo Steel, Kobe Steel, Mitsubishi và Marubeni– Itochu.
Các công ty này trước hết quan tâm đến công suất cán thép thỏi (bán thành phẩm tiết diện vuông cán từ thỏi thép đúc) ở Việt Nam.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnam Steel Corporation, viết tắt: VNSTEEL) là một công ty nhà nước được hình thành từ sự hợp nhất của 2 Tổng Công ty: Tổng công ty Thép và Tổng công ty Kim khí. Trong đó: Tổng Công ty Thép chuyên sản xuất gang thép với các cơ sở chủ lực là Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam và Công ty Thép Đà Nẵng.
Hiện nay, 98% VNSteel thuộc Nhà nước, nhưng sắp tới Tổng công ty sẽ được chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trong đó, 5,6% cổ phần của xí nghiệp luyện thép sẽ được chào bán khi IPO (trên thị trường công khai) và 29% nữa Nhà nước sẽ mời các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tổng công suất của VNSteel là 5 triệu tấn thép/năm. Dự kiến, năm 2011 lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ đạt hơn 40 triệu USD.
Do nhu cầu tăng lên ở Đông Nam Á trong mấy năm gần đây, các hãng luyện thép nước ngoài tăng cường hoạt động trong khu vực. Cụ thể, trong quý IV/2011, các hãng Nhật Bản đã thành lập mấy xí nghiệp liên doanh ở Việt Nam và Indonesia.
Công ty Evraz của tỷ phú Nga nổi tiếng Roman Abramovich là hãng chuyên về thép lớn trên thế giới, hãng này đã từng mua lại công ty IPSCO của Canađa với giá 2,3 tỷ USD.
Trong thời gian qua, nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn mua lại cổ phần một số công ty thép ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước vấn đề này cần có những sự cẩn trọng nhất định từ cái nhìn vĩ mô.
Về mô hình hoạt động của Tổng công ty thép Việt Nam:
Từ năm 1996- 2006, Tổng công ty Thép Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91.
Ngày 23 tháng 11 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 266/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án chuyển Tổng công ty Thép Việt Nam sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
Ngày 23 tháng 11 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 267/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam.
Ngày 1/7/2007, Tổng Công ty đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và các quy chế vận hành nội bộ chuyển sang hoạt động thep mô hình Công ty mẹ - Công ty con theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
|
Nguyễn Mạnh