Cứ mưa là ngập, đó là một trong những hệ quả tất yếu của việc một số sông, rạch ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục bị “bức tử” không chỉ bởi sự thiếu ý thức của người dân, mà nguyên nhân chính là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Hà Nội - chết dần một dòng sông
Sông Nhuệ được bắt nguồn từ sông Hồng có trục chính dài 74km và một số nhánh sông Nhuệ dài hơn 40km. Hằng năm sông Nhuệ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 50.000ha cây trồng/vụ, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ thoát nước cho 16 quận, huyện của Hà Nội. Tuy nhiên, con sông đó giờ đang “thoi thóp” vì ô nhiễm và bị lấn chiếm. Tại hạ lưu cầu Dương Nội (P.La Khê), dù mới sau trận mưa nhưng nước kênh vẫn vẩn màu đỏ, rác thải nổi lềnh bềnh... Còn tại thượng lưu kênh La Khê (nơi cách sông Nhuệ 3,5km), ghi nhận đầu tiên là khúc sông được nhuộm màu vàng nổi bật trên màu nước đen quánh. Theo vệt nước chảy, chúng tôi lại tìm đến những “ngọn nguồn” xả bẩn, đó là các cống thải hóa chất bốc mùi nồng nặc của Nhà máy dệt Hà Đông, Nhà máy nhựa Vinh Hạnh và một số cơ sở sản xuất khác đóng trên địa bàn phường Vạn Phúc. Nước thải được xả trực tiếp ra sông qua một ống nhựa lớn, lâu ngày tạo thành một cái hủm ven sông rồi lách qua rãnh hào xả vào dòng sông tạo nên màu vàng. Chị Nguyễn Thị Hạnh - chủ một quán nước gần cầu Am – lắc đầu: Sống ở đây không khác gì... tự tử bằng xú khí.
Theo khảo sát của PV, tại khu vực bờ sông Nhuệ thuộc địa bàn xóm 12B, thôn Trung Văn, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm; từ phía cầu Đôi chạy dọc theo bờ sông, hàng chục ngôi nhà, lều lán, nhà xưởng được dựng lên san sát như “ngoạm” lấy bờ sông. Ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Văn cho biết: Khu dân cư bờ sông có khoảng 30 gia đình sinh sống trên diện tích đất thổ canh, thổ cư đều có. Một số gia đình đã làm lều trông vườn từ hàng chục năm nay(!?), sau đó họ làm nhà trên đất vườn của họ chứ không phải họ lấn chiếm, phần lớn là nhà cấp 4, không có nhà kiên cố.
Ngược dòng sông Nhuệ đến chân cầu Tó (Hữu Hoà, Thanh Trì) - nơi được coi là “điểm nóng” của tình trạng lấn chiếm sông, chúng tôi đã không khỏi giật mình: Thay vì những sắc màu hỗn hợp tại sông nhánh La Khê, khúc sông Nhuệ khi đi qua cầu Tó đã được thảm một màu đen thăm thẳm, bốc mùi hôi thối. Ngay chân cầu Tó, đống rác hổ lốn bốc mùi nồng nặc, hòa trộn vào đó là đủ thứ rác thải dân sinh, làng nghề...
Bà Trần Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư - phát triển thủy lợi - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý sông Nhuệ - đã đưa ra những con số đáng lo ngại: Tình trạng lấn chiếm vi phạm hành lang sông Nhuệ diễn ra trên chiều dài 30 - 40km với hình thức chủ yếu là xây nhà tạm, dựng lều, quán, kho chứa VLXD. Có đến 4.000 vụ vi phạm liên quan đến sông Nhuệ. Tại nhiều điểm, sông Nhuệ đã bị co thắt từ 20 - 30m.
Tình trạng lấn chiếm sông, rạch xây cất nhà, công trình khác không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà nguy hiểm hơn còn làm tác động thay đổi dòng chảy, từ đó dẫn đến nguy cơ sạt lở cao.
Ông Phan Hoàng Trí - Phó GĐ Khu Quản lý đường thủy nội địa
Bà Hạnh cho biết: Để ngăn chặn tình trạng đổ đất lấn sông, Cty đã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện sẽ lập biên bản đối với các chủ hộ vi phạm và gửi lên chính quyền xử lý. Tuy nhiên, nhiều sai phạm Cty phát hiện nhưng đến khi lập được biên bản thì công trình đã hoàn thiện và việc xử lý khó khăn gấp nhiều lần. Việc ngăn ngừa và xử lý dường như trông đợi vào sự ra tay của chính quyền các địa phương. Việc quy hoạch tổng thể lưu vực sông Nhuệ chưa hoàn thành nên chậm triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông nên sông tiếp tục bị ô nhiễm.
TPHCM: Vi phạm tràn lan, xử lý nửa vời
Phần lớn các quận, huyện (1, 2, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi...) vẫn tràn lan các trường hợp lấn chiếm sông, rạch, nhiều trường hợp có diện tích lấn chiếm lên đến cả nghìn mét vuông. Đơn cử tại khu vực sông Chợ Cầu thuộc Q.12 có trường hợp hộ gia đình ông Trần Văn Phước (P.Thới An) san lấp lấn chiếm 1.500m2 (150m x 10m) diện tích sông từ nhiều năm nay vẫn tồn tại. Hộ gia đình ông Trương Thanh Tùng xã Trung An, huyện Củ Chi cũng tự ý đóng cọc dài 170m, rộng 9m (1.530m2) lấn chiếm sông Sài Gòn. Không chỉ đối với các hộ gia đình, ngay cả một số tổ chức cũng ngang nhiên biến đất sông, rạch thành đất của mình như trường hợp Cty TNHH Nhị Hiệp P.Trường Thạnh vô tư đóng cừ tràm, lấn chiếm gần 400m2 diện tích khu vực rạch Trau Trảu – Q.9. Còn tại khu vực rạch Đĩa thuộc xã Phước Kiền, huyện Nhà Bè, một Cty địa ốc xây dựng sân tennis và ép cọc bêtông lấn chiếm ra rạch gần 900m2...
Theo thống kê sơ bộ của Sở GTVT, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Thanh tra sở và Khu Quản lý đường thủy nội địa tuần tra phát hiện khoảng 100 trường hợp lấn chiếm sông, rạch phát sinh. Và trong số đó, chủ yếu là những vụ vi phạm lấn chiếm với quy mô lớn bị phát hiện, còn tình trạng các hộ dân tự cơi nới, xây cất nhà lâu nay lấn chiếm ra sông, rạch nhiều vô số kể, mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng khó có thể thống kê được hết diện tích bị lấn chiếm.
Chẳng hạn chỉ tính riêng kênh Đôi thuộc địa bàn Q.8, PV ghi nhận có đến gần cả nghìn căn nhà lụp xụp xây cất lấn chiếm ra kênh khiến cho dòng kênh, bị thu hẹp dần. Trao đổi với PV, ông Phan Hoàng Trí – Phó GĐ Khu Quản lý đường thủy nội địa - cho biết: “Do khu không có chức năng xử lý nên sau khi tuần tra phát hiện các vụ vi phạm lấn chiếm sông, rạch đều thông báo về các địa phương và yêu cầu xử lý.
Tuy nhiên, thời gian qua các địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý nên các trường hợp tồn đọng hằng năm khá nhiều”. Còn theo ông Trần Thế Kỷ - Phó GĐ Sở GTVT – các trường hợp vi phạm sau khi phát hiện đều được chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt, thậm chí chính quyền địa phương đã ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng thực tế đối tượng vi phạm không chấp hành và cơ quan chức năng cũng không kiên quyết cưỡng chế làm đến cùng.
(Theo Laodong)