Thời hạn 2012 để sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội được học tập và sinh sống trong môi trường hiện đại sẽ không thể thành hiện thực. Hiện, hàng chục hạng mục tại Hoà Lạc - Hà Tây triển khai quá chậm so với yêu cầu.
Điều chỉnh quy hoạch chung ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt từ năm 2002 và nhiều công việc đã được triển khai từ trước đó, nhưng đến nay Ban Quản lý dự án mới chính thức tiếp nhận khoảng 25% diện tích mặt bằng của khu vực xây dựng, tương đương hơn 220 ha và vẫn chưa phải là mặt bằng sạch, tức là nhà cửa, cây trồng... vẫn chưa được di dời.
Ông Lê Văn Đính, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội thừa nhận, nhiều phần việc triển khai bị chậm so với yêu cầu đặt ra. Thực tế, ngoài khu nhà công vụ mà Ban Quản lý đang sử dụng làm trụ sở làm việc, cả một vùng dự án vẫn... xanh màu cỏ dại và cây rừng xen lẫn với những nương chè của những người nông dân. Nhiều nội dung trong mục tiêu mà Đảng ủy ĐH Quốc gia đặt ra đã không thành hiện thực. Cụ thể, đến hết năm 2007 thực hiện đền bù, GPMB được khoảng 800 ha, II năm nay thi công xong phân khu phía bắc để chuyển các hộ dân thuộc diện di dời đến khu tái định cư…
Với các dự án thành phần, mục tiêu đặt ra vẫn còn rất xa vời, điển hình là dự án hạ tầng kỹ thuật, khu trung tâm ĐH Quốc gia, trung tâm thể dục thể thao và giáo dục quốc phòng, ký túc xá sinh viên, trường ĐH Khoa học tự nhiên, Sư phạm, Công nghệ, Ngoại ngữ, Khoa kinh tế, Luật, các Viện - Trung tâm nghiên cứu khoa học, ĐH Quốc tế...
Thu hồi đất nhưng chưa xây khu tái định cư
Là một trong những dự án cho ngành giáo dục đào tạo lớn nhất từ trước tới nay với đầu tư dự kiến trên 11.000 tỷ đồng, nhưng cách điều hành và triển khai dự án lại thiếu chuyên nghiệp và trì trệ.
Ông Cấn Văn Lai, Trưởng Ban GPMB huyện Thạch Thất thừa nhận, dù đã đã kiểm đếm, bồi thường trên 600 ha đất thu hồi và bàn giao 340 ha, thực tế thì nhà tái định cư cho cả nghìn hộ dân thuộc diện di dời vẫn nằm trên giấy. Bản thân phần đất 114 ha để đưa dân đến tái định cư mới bồi thường được 43 ha, và 34 ha đất tái định cư giao cho chủ đầu tư đã một năm nay nhưng khu tái định cư vẫn chưa thấy đâu.
Ông Lê Văn Đính cho biết, nguyên nhân xây dựng khu tái định cư quá chậm là phải thay đổi chủ đầu tư. Lúc đầu là ĐH Quốc gia làm chủ đầu tư, sau đó lại ủy quyền cho UBND huyện Thạch Thất. Tình trạng nhiều hạng mục chậm tiến độ còn do việc chuẩn bị đầu tư phức tạp, qua nhiều cấp, nhiều ngành phê duyệt. Công việc phải chậm lại một phần do việc phải mời tư vấn nước ngoài xem xét lại quy hoạch chung do nhiều đơn vị trong nước không đủ năng lực.
Vị đại diện ĐH Quốc gia cho biết thêm, giá thuê tư vấn nước ngoài phải thương lượng, xét duyệt mất nhiều thời gian. Nhiều chuyên gia tư vấn nước ngoài chưa hiểu quy định của luật pháp Việt Nam về đầu tư, xây dựng. Có sự tranh chấp về địa giới hành chính tại địa phương mà chậm được giải quyết dứt điểm...
Mặt khác, ông Đính cho rằng, nhiều quy định về trách nhiệm, quyền lợi của cán bộ của Ban Quản lý dự án và nhiều bên liên quan chưa phù hợp, quy định về trách nhiệm thiếu minh bạch. “Thu hút người giỏi về làm việc rất khó, đã có 2 thạc sỹ và 3 kỹ sư xin thôi việc tại dự án”, ông Đính giải thích thêm.
(Theo Tiền Phong)