Một loạt các vụ cháy nổ liên quan đến sử dụng và sang chiết lậu khí đốt thời gian qua khiến nhiều người không khỏi e ngại về nguy cơ cháy nổ có thể xảy đến bất cứ lúc nào với mọi thành viên trong gia đình mình, trong mọi sinh hoạt. Tai họa ấy có thể còn gia tăng gấp nhiều lần nếu nó xảy ra tại các khu vực tập trung nhiều gia đình sinh sống, như các khu chung cư, xuất phát bởi chính tập quán sinh hoạt của người dân trong khu nhà ấy, cộng thêm sự tắc trách vô tình hay hữu ý của một bộ phận hữu trách là đã có thể trở thành đại họa.
Đừng đùa với… gas!
Hẳn nhiều người còn chưa quên vụ nổ gas kinh hoàng xảy ra tại một căn nhà nằm trên phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội cách đây ít lâu. Vụ nổ xảy ra vào lúc tờ mờ sáng, khiến cho căn nhà 2 tầng 15m2 sau đấy chỉ còn là đống gạch vụn. Hai vợ chồng chủ nhà đều bỏng nặng. Đáng thương cho hai đứa trẻ, con gái lớn học lớp 9 và con trai đang học lớp 1, còn đang ngủ chưa dậy thì đã bị vùi lấp trong đống đổ nát. Phải mất đến hơn 5 tiếng đồng hồ, lực lượng PCCC phối hợp với Công an phường sở tại và các lực lượng tại chỗ đã huy động khoan bê-tông, búa, nệm hơi và trưng dụng cả xe ủi phá tường mở ngõ cho công tác cứu hộ mới lần lượt lôi được hai cháu nhỏ ra khỏi phần còn lại của ngôi nhà. Nhưng tất cả đã quá muộn!
Theo một vài người quen trong khu vực, sáng hôm ấy hai vợ chồng người chủ nhà vẫn dậy sớm tập thể dục như thường lệ. Cũng theo phỏng đoán của vài người biết việc, có lẽ trước khi đi tập thể dục, một trong hai người đã bật bếp gas (đun nước tắm chẳng hạn) nhưng do không trông nom được, hoặc giả do nước sôi trào ra làm tắt bếp nên khí gas đã choán đầy căn phòng nhỏ chưa đến 15m2. Khi về, người vợ (vào trước và cũng là người bị bỏng nặng hơn) không biết mà mở cửa thò tay bật đèn. Cả căn phòng đang tràn ngập khí gas, gặp tia lửa điện nên phát nổ tức thì, gây nên thảm họa trên.
Chỉ sau đó ít lâu, một vụ nổ khác cũng liên quan đến sử dụng khí gas trong sinh hoạt cũng làm náo loạn cả một tòa nhà cao tầng thuộc khu đô thị Văn Quán, Hà Đông. Vụ nổ tuy không gây thiệt hại lớn về của cũng như về người, nhưng lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo những bất ổn tiềm ẩn từ hoạt động sử dụng khí đốt trong sinh hoạt thiếu kiểm soát.
Vụ nổ xảy ra khoảng buổi trưa, nguyên nhân là do bình gas tại một quán phở dưới tầng 1 của tòa nhà CT8B của khu đô thị. Tiếng nổ lớn và khói bụi đã kích hoạt hệ thống chuông báo động của tòa nhà, khiến cho toàn bộ dân cư sống trong tòa nhà có mặt lúc ấy được một phen hú vía… Và gần đây nhất là vụ nổ lớn kèm theo cháy dữ dội làm 10 người trong khu trọ tại phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương bị thương nặng. Nguyên nhân được xác định là do một gia đình trong khu trọ thực hiện hành vi sang chiết gas trái phép phục vụ kinh doanh (bán cá viên chiên dạo) không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy, nổ khiến không chỉ những thành viên trong gia đình mà cả hàng xóm cũng bị vạ lây. Những tai nạn oan uổng đến từ… hàng xóm ấy đã khiến cho người ta buộc phải có cách nhìn khác về những bất cẩn trong sử dụng khí gas trong sản xuất và sinh hoạt.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội thì đối với các vụ cháy, nổ do khí gas, ngoài thiệt hại do sức công phá cũng như nguy cơ tương đương các loại nguyên liệu khác thì khả năng gây thương vong cho con người còn có phần cao hơn. Lý do là bởi nó thuộc dạng khí, trước khi tạo ra các tác nhân gây cháy, con người thường tiếp xúc với khí độc trước và phần lớn đều đã hít phải một lượng nhất định vào phổi. Khi bắt lửa, lượng khí trong phổi này cũng bùng cháy theo, gây ra những tổn thương cực kỳ khó khắc phục cho cơ quan nội tạng. Được biết, đây cũng chính là trường hợp của người vợ chủ ngôi nhà trên phố Tạ Quang Bửu có khả năng mắc phải trong vụ nổ tại địa chỉ trên.
Nguy cơ rình rập tòa cao ốc
Như đã nói ở trên, thảm họa từ những vụ cháy nổ do khí gas gây ra thường nguy hiểm hơn các loại cháy nổ khác cho người, và nó lại càng trở nên khó lường hơn nếu xảy ra tại các tòa nhà chung cư, điểm thường xuyên tập trung đông đúc. Đối với các tòa chung cư hiện đại đã có thiết kế hệ thống sử dụng gas trung tâm, nguy cơ cháy nổ của việc sử dụng gas tự phát đã được loại bỏ, nhưng như thế cũng chưa phải đã yên tâm hoàn toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, tổ trưởng tổ dân phố tòa nhà 24T2, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cho hay hệ thống sử dụng gas trung tâm cũng như công tác bảo trì, phòng chống cháy nổ tại nơi ông đang sinh sống được đánh giá là khá tốt. Cho đến nay, ông Diệp và các thành viên trong tổ dân phố của ông chưa có băn khoăn gì lớn đối với hệ thống gas sử dụng trong các căn hộ và của tòa nhà. Các cư dân ở đây thường xuyên được nhắc nhở về cách để sử dụng cho đúng hệ thống gas được trang bị.
Thực tế ghi nhận của PV, ngay dưới chân tòa nhà, trước cửa thang máy, nhà cung cấp dịch vụ đã khá cẩn thận khi dán các thông tin hướng dẫn sử dụng cũng như công khai đường dây nóng kèm giới thiệu sản phẩm an toàn đời mới một cách công khai cho các hộ gia đình lựa chọn. Về công tác PCCC của tòa nhà, tích kê kiểm tra báo cáo về tình trạng bình chữa cháy ngoài hành lang tòa nhà tại tầng 14, có lẽ là lần gần đây nhất, được PV ghi lại, là ngày 1/3/2012, báo 1 bình mất kẹp chì.
Ông Diệp cho biết thêm, nguyên các căn hộ ở đây ban đầu được thiết kế 3 loại sử dụng gas, đó là bếp sử dụng gas, bình nước nóng rửa bát sử dụng gas và bình nóng lạnh trong nhà tắm. Tuy nhiên, do e ngại về độ an toàn, sợ rò rỉ nên hầu hết các gia đình đã bỏ sử dụng hệ thống đun nước nóng trong nhà tắm sử dụng gas và chuyển sang sử dụng bình nóng lạnh chạy điện. Cứ mỗi tháng một lần, nhân viên thuộc bộ phận cung cấp gas cho tòa nhà lại đến từng căn hộ để thống kê lượng sử dụng, qua đó cũng thực hiện công tác kiểm tra sơ bộ luôn. Tuy nhiên, thế chưa phải đã hết lo.
Điều mà các cư dân ở đây tỏ ra thiếu an tâm là bình chứa gas tổng bên dưới được thiết kế ngay cạnh nhà điều hành, nằm dưới chân tòa nhà. Như thế, một khi có trục trặc gì, ai dám đảm bảo không có ảnh hưởng đến cư dân bên trên? Trường hợp nơi ông Diệp đang sinh sống chỉ là một ví dụ. Trong khi đó, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về Hệ thống cấp khí đốt trung tâm trong nhà ở - Tiêu chuẩn thiết kế, thì khoảng cách từ mép bồn chứa tới các công trình xây dựng cần thỏa mãn điều kiện Điều 4.1.1.3 của tiêu chuẩn TCVN 7441:2004, theo đó khoảng cách tối thiểu từ mép bồn chứa đặt nổi hoặc chôn chìm dưới đất đến công trình công cộng cũng là 40 mét. Đấy là chưa kể, ở một số nơi, do điều kiện hoặc lo ngại tình trạng đạo chích mà nhà cung cấp đã đưa bồn chứa vào trong phòng có cửa kín khóa trái (trường hợp chung cư nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh). Điều này đã vi phạm một trong những điều kị trong thiết kế mà dường như không phải người dân nào cũng biết để mà tham gia ý kiến.
Cũng theo bộ tiêu chuẩn nói trên, mục yêu cầu về không gian lắp đặt thiết bị sử dụng nêu rõ, phòng đặt bếp sử dụng khí đốt trong nhà ở cần có cửa thoát khói, cửa sổ cấp không khí diện tích tối thiểu 0,02m2 nằm thấp hơn cửa thoát khói. Phòng bếp cần được chiếu sáng tự nhiên và chiều cao phòng không nhỏ hơn 2,0m. Thể tích phòng cũng là một trong những yếu tố được quy định, theo đó phòng đặt bếp đôi phải có thể tích từ 8m3 trở lên để đảm bảo đủ không khí cho quá trình cháy tự nhiên. Đối với phòng đặt bếp ba là 12m3 và phòng đặt bếp 4 là 15m3. Cho phép đặt bếp trong phòng có chiều cao thấp hơn 2m nhưng thể tích phòng phải lớn hơn 1,25 lần thể tích ghi ở trên và khoảng trống trước bếp đun đến kết cấu cố định đối diện với bếp không nhỏ hơn 1m. Tuy nhiên, gian bếp tại các tòa chung cư hiện nay với mức sử dụng phổ biến một bếp đôi cộng với một bình nước nóng rửa bát đũa cũng sử dụng gas đều gần như không đáp ứng được yêu cầu này. Đấy là chưa kể không gian buồng bếp còn bị thu hẹp đáng kể bởi các loại tủ bếp trên dưới cũng như nhiều gia đình còn kê thêm chiếc tủ lạnh to đùng, máy sấy bát, đũa, lò nướng các loại…
Ngàn lẻ các mối đe dọa
Ở các tòa chung cư cao cấp hoặc tương đối như của ông Diệp, cư dân lo một kiểu. Còn như đối với các tòa chung cư thấp cấp hơn, nhà tái định cư thì càng nhiều hơn những mối đe dọa cháy, nổ từ nguồn chất đốt, gas tự phát "dành riêng" cho cư dân nơi đây.
Ông Lê Trung Kiên là một cư dân đại diện góp mặt vào ban quản trị nhà chung cư tái định cư khu nhà N Trung Hòa - Nhân Chính gồm 19 khối nhà to nhỏ đã trình bày với chúng tôi cả nửa ngày trời về những bất cập liên quan đến công tác PCCC nơi đây. Tại các tòa nhà này đều không có thiết kế và chưa từng được đưa vào kế hoạch lắp đặt sử dụng gas trung tâm. Từ trước đến nay, các hộ đều sử dụng gas tự phát.
Tại các khu thấp tầng còn đỡ. Đối với các nhà trên 10 tầng như nhà N3B của ông Kiên, việc ngăn chặn gas tự phát sử dụng thang máy gần như vô vọng. Nguy cơ mất an toàn cực cao. Trong khi đó tình trạng về các trang thiết bị PCCC của các tòa nhà mới lại càng thê thảm. Hầu hết máy bơm nước cứu hỏa chạy bằng xăng, dầu trong các tòa nhà không được vệ sinh, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, càng không có chuyện vận hành định kỳ để đảm bảo khả năng hoạt động bình thường khi gần hết. Phòng đặt thiết bị cứu hỏa và máy bơm nước trở thành kho chứa đồ chung của các hộ bán hàng dưới tầng 1.
Ông Kiên đã trực tiếp "biểu diễn" cho chúng tôi khi đảo ngược phần cán tre của một chiếc chổi làm que thăm dầu, thọc thẳng vào bình dầu của máy bơm cứu hỏa khẩn cấp. Không một giọt dầu sót lại!
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu nhà N6C của ông tổ trưởng Đỗ Ngọc Hiểu. Ông Hiểu vừa là thành viên ban quản trị khu nhà N vừa kiêm luôn tổ trưởng tổ PCCC nhưng cũng đành chỉ biết phản ảnh lên chủ đầu tư trước tình trạng bi bét này. Hầu hết các bình cứu hỏa trang bị cho các tòa nhà đều ghi sản xuất từ năm 2006, cho đến nay cũng không được nạp lại. Áp lực bọt, bột khí trong bình đã hạ xuống qua giới hạn áp suất cần thiết nhưng cũng bị bỏ mặc. Nhiều tầng hộp kỹ thuật chuyên dụng PCCC vỡ, mất cả vòi lăn cũng kệ. Đấy là chưa kể, dưới chân các tòa nhà là những bãi đỗ xe, trông giữ xe tự phát có, được cấp phép hẳn hoi cũng có, len chật đường vào. Chẳng còn đâu hành lang an toàn cũng như khả năng tiếp cận chữa cháy của các phương tiện, thiết bị chuyên dụng nữa. "Chúng tôi lo lắm! Ở chung cư sợ nhất là cháy nổ. Với tình trạng này, một khi có cháy xảy ra thì chỉ còn nước… đứng nhìn mà thôi!", ông Hiểu thần người ra.
(Theo CAND)