SearchNews

Hiệp hội BĐS Việt Nam: Kết nối cộng đồng doanh nghiệp

05/02/2011 22:31

Cuộc trao đổi với ông Tống Văn Nga, phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trước thềm năm mới.

Cuộc trao đổi với ông Tống Văn Nga, phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trước thềm năm mới.

Thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian vừa qua đã có bước phát triển tích cực, góp phần đáng kể đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều dự án phát triển Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu đô thị, nhà ở, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại… đã được đầu tư, triển khai xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn trong cả nước, đồng thời cải thiện nhu cầu về nhà ở của nhân dân.

Trên địa bàn cả nước có trên 2.500 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới và dự án kinh doanh bất động sản khác, với diện tích khoảng 80.000 ha đã và đang được triển khai xây dựng; trong đó có khoảng 650 dự án khu đô thị mới có diện tích đất trên 20 ha. Tại Hà Nội hiện có trên 800 dự án lớn nhỏ, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 1.400 dự án và Hải phòng khoảng 260 dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Tống Văn Nga

 Tuy nhiên, năm 2010 là năm thị trường BĐS có những diễn biến phức tạp: Trong khi ở trung tâm Hà Nội và một số vùng lân cận phía Tây có những đợt “nóng cục bộ” nhất thời làm cho giá BĐS bị đẩy lên cao, thì ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lại lâm vào tình trạng “chợ chiều im ắng” kéo dài nhiều tháng liên tiếp, khiến giao dịch về BĐS giảm rõ rệt.

Ngay cả khi Chính phủ cho phép nhiều đối tượng là người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng cũng không đủ độ “nóng" để kích cầu và giúp thị trường BĐS bứt ra khỏi tình trạng trầm lắng (mặc dù tại Hà Nội, Đà Nẵng, một số tỉnh ven biển, giới đầu tư đã đưa ra thị trường hàng loạt dự án nhà ở sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng).

Nửa cuối năm 2010 thị trường BĐS có phần được “hâm nóng” với một số các dự án nhà xã hội, đem lại niềm vui cho số đông những người có nhu cầu ở thực sự. Nghịch lý của thị trường BĐS hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu: Trong khi nhiều dự án chung cư cao cấp thiếu vắng người ở, thì một số lượng lớn người lao động trong xã hội lại chưa có nhà để ở…

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến thị trường BĐS kém sôi động trong năm 2010 là sự tác động của một số chính sách vĩ mô, trong đó đặc biệt là tác động của Nghị định 69/2009/CP ngày 13/8/2009, trong đó quy định chủ đầu tư phải đền bù theo giá thỏa thuận sát với giá thị trường, nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước cũng theo giá thị trường, do đó vừa tăng chi phí lên rất cao, thời gian thực hiện bị kéo dài mà trên thực tế có những dự án không thể triển khai được do không thỏa thuận được với một số chủ sử dụng đất bám theo Nghị định 69/CP để đòi giá bồi thường ngày một cao.

Chính sách thắt chặt tín dụng để giảm lạm phát cũng ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch và đầu tư BĐS. Phân khúc thị trường nhà ở xã hội mới bắt đầu khởi động, nhiều công ty đã và đang đầu tư các dự án dạng này lại gặp khó khăn vì không được giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Năm 2011, thị trường vận hành theo chiều hướng nào? Thật khó dự đoán vì còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và tác động của hậu khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhưng có thể khẳng định rằng lĩnh vực BĐS vẫn đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhu cầu về nhà ở còn rất cao, đặc biệt ở các thành phố lớn, các khu kinh tế và khu công nghiệp tập trung, nhu cầu về khách sạn, các khu nghỉ dưỡng ven biển và trên núi, hạ tầng giao thông và các yêu cầu hạ tầng của các ngành kinh tế kỹ thuật khác.

Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã từng được trải nghiệm và vượt qua nhiều khó khăn thách thức thì nhất định trong năm 2011 sẽ vươn lên mạnh mẽ, bài bản hơn và linh hoạt hơn trong việc đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thực tế và thị hiếu của người sử dụng ở từng khu vực.

Chúng ta cũng hy vọng rằng Nhà nước sẽ sớm có những sửa đổi bổ sung kịp thời về khung khổ pháp lý, ví dụ như việc gấp rút sửa đổi Nghị định 69/CP và Luật Đất đai; Việc hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác thị trường thế chấp; các quy chế cho vay trung và dài hạn là những đòi hỏi khách quan và bức thiết nên được triển khai.

Nguyễn Tuấn

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu