> Chùm ảnh Thực trạng ngày đầu 262 tuyến phố cấm trông giữ xe
> Từ hôm nay, Hà Nội cấm trông xe ở 262 tuyến phố
Nhiều tuyến phố đã thông thoáng hơn sau ba ngày triển khai cấm đỗ xe trên lòng đường, hè phố ở 262 phố Hà Nội. Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn cho không ít người trong việc tìm bãi đỗ xe mới.
Cấm đỗ xe lòng đường, hè phố nhưng chưa có chỗ thay thế
Ngày 15/2, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu triển khai cấm đỗ xe trên lòng đường, hè phố ở 262 con phố. Sau ba ngày thực hiện, Đội Thanh tra Cảnh sát giao thông TP Hà Nội đã xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến phố, các bãi đỗ xe vẫn tồn tại.
Theo ghi nhận của PV Dothi.net, tính đến hết ngày 17/2 trật tự trông giữ xe trên nhiều tuyến phố cấm đã được thiết lập. Tuy nhiên vào buổi trưa và buổi tối nhiều điểm đỗ xe tư nhân vẫn hoạt động trở lại. Trên những tuyến phố như Nguyễn Khang, Kim Mã, Nguyễn Khánh Toàn, Phủ Doãn, Tôn Đức Thắng…các bãi đỗ xe vẫn hoạt động cả ngày.
Bên cạnh những con phố này, dọc phố Liễu Giai, hàng loạt ô tô xe máy vẫn đỗ chật đường. Trên đường Nguyễn Trãi, tình trạng xe đỗ tràn lan vẫn tiếp diễn. Còn ở các đường Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, mặc dù không có bãi đỗ xe trái phép nào hoạt động nhưng trước cửa các nhà hàng, quán cà phê…hiện tượng ô tô đỗ thành hàng dài dọc phố không phải là hiếm.
Khi được hỏi về việc tại sao bãi đỗ xe vẫn tồn tại, anh Trần Đức (nhân viên trông xe tại một bãi đỗ tư nhân trên đường Nguyễn Khánh Toàn) cho biết: Sau khi có quyết định cấm trông giữ xe trên lòng đường, hè phố nhiều người vẫn đến gửi xe vì họ không biết gửi ở đâu. Vì vậy, bãi đỗ của anh vẫn nhận với hy vọng kéo dài thêm ngày nào tốt ngày ấy.
Cũng cùng tâm sự với anh Trần Đức, anh Hoàng (nhân viên bãi đỗ xe trên đường Láng) phân trần: Nếu cấm trông xe trên lòng đường hè phố thì anh không biết làm gì kiếm sống mà bản thân những người dân cũng không biết gửi xe ở đâu.
Phần lớn ý kiến từ phía các doanh nghiệp đưa ra là quyết định ban hành quá gấp gáp. Mặt khác, các điểm trông xe bị thu hồi không được bố trí trông giữ thay thế nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý những hợp đồng trông xe theo tháng thậm chí có những hợp đồng ký trước một năm.
Bà Đặng Oanh – chủ một điểm trông giữ xe trên đường Bưởi cho biết: Việc cấm đỗ xe sẽ gây khó khăn cho người dân và thiệt thòi cho doanh nghiệp vì Sở Giao thông TP ban hành quyết định cấm nhưng lại không bố trí điểm đỗ mới thay thế. Điều này khiến các doanh nghiệp “trở tay không kịp”, gặp khó trong việc sắp xếp lao động, thay đổi chiến lược hoạt động kinh doanh.
Mệt mỏi tìm nơi đỗ xe
Nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kinh doanh, thì người dân lại “đau đầu” trong việc tìm bãi gửi xe mới. Đặc biệt, đối với những nhà có diện tích chật hẹp, không có chỗ để xe thì việc tìm một bãi gửi xe đúng quy định là vấn đề hết sức nan giải. Chị Kim Ngân (Chùa Láng, Đống Đa) cho biết chị hết sức lo lắng khi đọc quyết định cấm xe trên các báo mạng. Nhà chị có 20m2 cho 4 người ở mà trong đó có tới 3 xe máy. Bình thường chị vẫn gửi ở bãi gửi xe trên đường Láng. Sáng sớm đi bộ ra lấy, chiều về lại qua đấy gửi, bớt được 3 xe, nhà cũng không đến nỗi chật chội lắm. Nhưng bây giờ, bãi gửi xe đóng cửa chị không biết phải gửi ở đâu. Xung quanh nhà chị đều không có bãi gửi xe nào khác.
Cũng cùng tâm trạng như chị Ngân, anh Phan Luân (Nguyễn Chí Thanh – Ba Đình) chia sẻ: Bình thường anh vẫn gửi xe ô tô tại bãi đỗ trên đường Nguyễn Chí Thanh vì nhà anh không có gara. Nhưng sắp tới anh không biết xoay sở thế nào. Mấy ngày nay anh đã đi hỏi khắp nơi nhưng không có bãi nào nhận xe anh vì tất cả bãi đỗ xe “hợp pháp” hay trong các tầng hầm của chung cư đều kín chỗ. Hiện tại, anh vẫn đỗ xe trên vỉa hè nhưng theo anh thì chắc sẽ không được lâu vì thanh tra giao thông kiểm tra rất gắt gao. Đường Nguyễn Chí Thanh lại là tuyến đường áp dụng không đỗ xe ở cả hai điểm là lòng đường và trên hè phố.
Các bãi gửi xe bị “đóng cửa” đã khiến không ít gia đình “lao đao” vì không biết sẽ gửi xe ở đâu, làm cách nào để không vi phạm. Trước thực trạng này, nhiều người dân Hà Nội đã tìm cách “lách luật” bằng cách đỗ xe trong ngõ nhỏ không trong danh sách cấm. Mặc dù đây không phải giải pháp lâu dài, nhưng lại là giải pháp khá lý tưởng cho tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, việc đỗ xe trong các ngõ nhỏ đã khiến việc đi lại, sinh hoạt của các cư dân nơi đây gặp khó khăn. Bác Tuấn nhà trong phố Trần Nhật Duật cho biết từ 2 ngày nay các xe vốn đỗ trên phố Kim Mã đã dồn về đậu trong con phố nhỏ này. Các xe ô tô xếp hàng dài hai bên khiến cho con phố vốn chật chội, lại càng chật chội hơn. Tình trạng ùn tắc cũng thường xuyên xảy ra. Mặc dù, vẫn biết là quyết định cấm xe trên phố lớn buộc các xe phải đỗ trong ngõ nhỏ nhưng về lâu dài nếu vẫn xảy ra tình trạng trên bác sẽ có ý kiến lên phường. Tại các phố Vạn Phúc, Vạn Bảo, Linh Lang, Đỗ Quang…cũng tương tự với rất nhiều ô tô, xe máy đỗ kín đường.
Như vậy, chỉ mới 3 ngày sau khi quyết định cấm đỗ xe trên lòng đường, hè phố được thực thi nhưng người dân cũng như các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ gửi xe mới. Tuy nhiên, về việc bố trí xây dựng các bãi đỗ xe thay thế vẫn chưa có quyết định chính thức từ phía các cơ quan chức năng.
Trước đó, tại cuộc họp với các cơ quan liên ngành ngày 15/2 về việc triển khai quyết định thu hồi giấy phép trông giữ xe đạp, môtô, ôtô trên vỉa hè, lòng đường, ông Nguyễn Quốc Hùng - giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Ngày 28/12/2011, liên ngành Công an TP và Sở Giao thông vận tải trình UBND TP Hà Nội phê duyệt danh mục 224 tuyến phố đủ điều kiện cấp phép và 271 tuyến phố cấm tổ chức trông giữ ôtô, môtô trên vỉa hè, lòng đường. Trong tờ trình xây dựng đầy đủ căn cứ pháp lý, tiêu chí tuyến phố nào được đỗ, không được đỗ. Nhưng ngày 6/2/2012, UBND TP có văn bản yêu cầu thu hồi điểm đỗ xe trên 262 tuyến phố, quy định tuyến phố không được đỗ chứ không quy định tuyến phố được trông giữ xe như tờ trình của liên ngành.
Cũng theo ông Hùng, trong tờ trình của liên ngành cũng đề xuất UBND TP Hà Nội có những quy định chung về trông giữ xe trên địa bàn TP, trong đó siết lại trật tự kỷ cương và phục vụ lợi ích chính đáng của người dân tốt nhất. Đồng thời đã đề xuất TP nên xem xét giao cho đơn vị của Nhà nước chịu trách nhiệm trên toàn địa bàn TP để đảm bảo nhu cầu đỗ xe cho người dân chứ không nên cho nhiều thành phần thực hiện. Việc cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố là giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc. Người dân phải biết tự biết lựa chọn phương tiện khác sao cho phù hợp với việc đi lại của mình.
Mỹ Anh