> Đi xe máy phải đóng phí hàng năm 1 triệu, ô tô là hàng chục triệu?
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc thu phí phương tiện cá nhân. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng đề án trình Chính phủ xem xét trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và trên cơ sở tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan, trong đó tập trung nghiên cứu, xác định rõ mục tiêu, nội dung, cơ sở khoa học và thực tiễn, tính khả thi cũng như các tác động của việc thu các khoản phí.
Trước đó, các Bộ Giao thông Vận tải, Tư pháp, Tài chính, Công an, Kế hoạch và Đầu tư đều có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí, lệ phí.
Đầu năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, trong đó quy định mức phí cao nhất đối với ô tô là 50 triệu đồng và mô tô là 1 triệu đồng/năm.
Thu phí đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm đối với xe ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công và xe ô tô buýt. Thời gian thu phí là giờ cao điểm, buổi sáng từ 6 - 8h30, buổi chiều từ 16 - 19 giờ hàng ngày (trừ thứ 7, chủ nhật và ngày lễ). Việc thu phí thực hiện tại khu vực nội đô thành phố, phương thức thu là thu qua các trạm thu phí xe ô tô và chỉ thu chiều vào với mức thu dự kiến là 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại (xe tải, xe chở người lớn hơn 7 chỗ ngồi…).
Ngay khi đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải được đưa ra đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc thu phí này và tính khả thi trong việc giải quyết ùn tắc cũng như hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông mà còn tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn. Việc thu này đảm bảo công bằng, thực tế, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí vừa phải, mức 500.000/năm. Còn đối với người đi bộ, xe đạp không phải nộp”.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm được căn cứ vào các Nghị quyết, Nghị định của Quốc hội, của Chính phủ về những giải pháp đồng bộ nhằm chống ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông, trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân bằng các giải pháp kinh tế đã có từ lâu, bây giờ chỉ là đề xuất của Bộ GTVT để đưa vào triển khai cụ thể. Ngoài ra cơ sở này cũng được tham khảo từ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới.
“Hàng năm ngành giao thông có nhiều giải pháp giảm tai nạn, hạn chế ùn tắc, nhưng tai nạn vẫn nhiều, ùn tắc vẫn phổ biển, nên phải có biện pháp mạnh mẽ, bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó có đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân. Bản thân chúng tôi làm dự thảo đề xuất thu phí cũng tính tới nhiều điều, nhất là phải đúng đối tượng...
Số tiền thu được nộp tất cả vào ngân sách Nhà nước và sau đó Nhà nước lại chi ra đầu tư xây dựng các hạ tầng chứ không phải ngành giao thông thu phí rồi cầm và thích chi thế nào thì chi. Nếu không thu phí lưu hành để tạo thêm nguồn thu mà chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì không có tiền đầu tư cho giao thông nông thôn, đường ven biển, đường tuần tra biên giới” - Bộ trưởng Thăng nói.
Như vậy, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thì việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân sẽ được các Bộ ngành cùng địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rõ ràng về mục tiêu, cơ sở khoa học, tính khả thi và những tác động của việc thu phí để xây dựng Đề án trình Chính phủ xem xét cho ý kiến trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
(Theo Dân trí)