> Tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản
> BĐS: Sôi nhưng chưa động
Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, tác động giảm lãi suất tới thị trường bất động sản chỉ mang tính tâm lý, người có nhu cầu thực vẫn khó tiếp cận được nguồn tài chính này bởi không ít lý do.
Khó vay ngân hàng mua nhà
Thấy tình hình bất động sản giảm giá, lãi suất cũng “mềm”, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lê, đang thuê nhà ở Linh Đàm, đã bàn bạc vay tiền ngân hàng mua nhà. Sau thời gian làm việc tích cóp cộng với ít tiền của bố mẹ cho, vợ chồng chị cũng đã có gần 1 tỷ đồng. Chị Lê tính vay thêm ngân hàng khoảng 500 triệu đồng nữa để mua được căn hộ bình dân. Cầm hồ sơ đến ngân hàng gần nhà, chị nhận được cái lắc đầu từ chối: “khỏan vay đó dành cho VIP, còn khách hàng bình thường vẫn phải 20%/năm”. Chị Lê ngậm ngùi: “Khó có thể mua được nhà trả góp. Các ngân hàng chỉ đưa ra cho đẹp thôi chứ thực tế để người dân tiếp cận được lãi suất đó còn xa vời”.
Cũng giống như chị Lê, anh Nguyễn Minh Đức, trưởng phòng một công ty ở Mỹ Đình, đang xem xét để vay tiền mua căn hộ. Sau tư vấn của ngân hàng, anh cảm thấy thất vọng bởi thủ tục giấy tờ để vay được 1 tỷ đồng rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng cũng tỏ vẻ không nhiệt tình.
Khi lãi suất trần huy động của các ngân hàng thời điểm đó là 11%/năm, nếu vay anh Đức phải chịu mức lãi suất 3 tháng đầu là 21,6%/năm, sau đó mới được mức 19,4%/năm. Sau khi lãi suất giảm về 9%/năm, ngân hàng vẫn cho vay ở mức 14-16% kèm theo đó là nhiều yêu cầu thắt khe về chứng minh thu nhập và tài sản đảm bảo.
Theo đại diện của một ngân hàng, về vay mua nhà ở, các điều kiện tiếp cận là khá khó khăn. Chương trình cho vay mua nhà của ngân hàng không hạn chế nhưng người vay phải chứng minh thu nhập và lãi suất cao. Thực tế, ngân hàng này chỉ chủ yếu cho vay sản xuất, xuất khẩu trong ngắn hạn, còn các khoản trung và dài hạn đều cắt giảm.
Một số chương trình cho vay được giải ngân chỉ áp dụng cho vay mua nhà đối với nhân viên của 2 tập đoàn là đối tác chiến lược của ngân hàng với các điều kiện nhất định, chưa có chủ trương mở rộng ra ngoài.
Thị trường vẫn trầm lắng
Ông Đỗ Quang Huy, sàn bất động sản Hapulico nhận định, khi kinh tế vĩ mô, thị trường ổn định thì sự tăng hay giảm lãi suất có thể tác động rất lớn đến thị trường bất động sản. Nhưng trong thời gian này, việc hạ lãi suất không kích được cầu bất động sản.
Ông Huy phân tích, cung cầu đang quá chênh lệch hàng quá nhiều trên mọi phân khúc từ chung cư cho đến đất nền. Thực tế kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục, tiền trong lưu thông chưa có và trong nước cũng ko nằm ngoài tình hình chung, nên chưa thể có dòng tiền đủ mạnh để kích bất động sản. Thêm vào đó, yếu tố có ảnh hưởng rất mạnh là tâm lý nhà đầu tư, lãi suất giảm đấy nhưng các nhà đầu tư vẫn còn đang nghe ngóng tình hình.
Theo CBRE Việt Nam, những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế vĩ mô đã thúc đẩy người mua nhà bắt đầu tìm hiểu thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội. Điều này được thể hiện qua sự tăng lên của số lượng yêu cầu, nhưng cho đến thời điểm hiện nay số lượng giao dịch vẫn chưa tăng mạnh.
Ông Adam Bury, Quản lý cấp cao mảng Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết: “Thật nhẹ nhõm khi thấy lạm phát cuối cùng cũng đã rơi xuống dưới mức 10%, đó dường như là một điều gần như không thể, và ngân hàng nhà nước đã cố gắng nới lỏng chính sách tiền tệ. Mặc dù 3 lần giảm lãi suất đã gây ngạc nhiên không ít bởi sự liên tiếp của nó, trong bối cảnh tăng trưởng nội địa suy giảm và thị trường kinh tế thế giới thu hẹp, đó hoàn toàn không phải là một chính sách không hợp lý”.
Phân tích dựa trên lịch sử xu hướng tiêu thụ, CBRE nhấn mạnh rằng có bằng chứng về một sự chậm trễ kéo dài 6 tháng giữa việc giảm lãi suất, lạm phát dưới mức 10% và sự tăng trưởng của thị trường nhà ở bán.
Ông Bury phân tích, những gì đã diễn ra trong lịch sử không hẳn đã là minh chứng cho những gì sẽ xảy đến trong tương lai, nhưng nếu thị trường diễn biến giống như năm 2009 thì chúng ta có thể trông đợi ít nhất sau 2 quý nữa kể từ khi giảm trần lãi suất và lạm phát thì tốc độ tiêu thụ căn hộ sẽ tăng trở lại. Ông Bury tiếp tục nhấn mạnh rằng trong khi lạm phát ở chu kỳ gần đây nhất vẫn chưa tăng cao như năm 2008 và tăng trưởng GDP, dù đang chậm lại, vẫn cao hơn năm 2009, khiến cho sự lạc quan cũng có phần thâ%3ḅn trọng.
Tổng Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, Ông Marc Townsend kết luận, kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng thị trường mong đợi cùng với giá chào bán trung bình trên mỗi căn hô%3ḅ dường như ổn định. Cả CBRE và khách hàng đã đầu tư vào các sự kiện mở bán sản phẩm trong quý 2 và số khách tham dự khá nhiều. Cuối cùng người mua đã không “giấu mình”, bắt đầu tìm kiếm cơ hội để xuất hiện.
H.N (Theo TTTĐ)