Nhân lúc thị trường BĐS đang xuống giá, một bộ phận nhà đầu tư đã lên kế hoạch đi săn các lô đất, biệt thự bán tháobiệt thự bán tháo để mua vào với giá rẻ.
Sau khi ngân hàng có chính sách áp trần lãi suất 14% thì một lượng tiền khá lớn trong dân đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Rục rịch “gom” hàng
Vừa ngồi với Tổng Giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, sau những cuộc điện thoại không ngừng ông thật thà chia sẻ, trong thời gian gần đây, nhân lúc thị trường đang xuống giá đã xuất hiện một nhóm nhà đầu tư chuyên đi săn các lô đất, biệt thự bán tháo để mua vào với giá rẻ.
Ông cũng cho biết, một đại gia đang nhờ ông bán 3 biệt thự ở những vị trí đắc địa tại Hà Nội là Ciputra, Mỹ Đình và Vườn Đào – Tây Hồ với giá quá rẻ. Trong đó, biệt thự ở Mỹ Đình từ 53 tỷ đồng giờ ông bán với giá 30 tỷ, riêng Ciputra từ 200 triệu đồng/m2 giờ bán với giá giảm nửa. Biết là lỗ nhưng không còn cách nào khác.
Nhân lúc thị trường khó khăn, một số nhà đầu tư có tiền đã lên kế hoạch “gom” hàng chờ thị trường khởi sắc trở lại. Hơn ai hết, họ cho rằng, thị trường BĐS đã xuống đáy. Không chỉ có nhà đầu tư lớn, những nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng bắt đầu "chiến dịch"
Anh Đông - một nhà đầu tư cho biết, anh vừa mua vài căn liền kề dự án Geleximco tại vị trí đẹp với giá 50 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm thị trường sốt nóng, giá khu này được chào bán từ 80 – 100 triệu đồng/m2. “Giá đang giảm, tranh thủ có nguồn tiền nhàn rỗi nên tôi mua vào" – anh Đông cho hay.
Tình trạng xuống giá xảy ra ở hầu hết các dự án. Bà Nguyễn Thúy Hạnh – Phó GĐ sàn bất động sản Lideco (đơn vị thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm, chủ đầu tư dự án Bắc Quốc lộ 32) cho biết, giá tại dự án đã giảm đến 35% so với thị trường hồi đầu năm. Cũng theo bà Hạnh, tại dự án Bắc Quốc lộ 32 đã có hiện tượng bán tháo, chấp nhận lỗ vài chục % của nhà đầu tư thứ cấp. Đã có nhà đầu tư khi mua lại biệt thự Bắc Quốc lộ 32 với giá đến 50 – 60 triệu đồng/m2 nhưng đến thời điểm này bán với giá 34 triệu đồng/m2.
Tại thị trường Hà Nội, dự án Vân Canh hiện rớt giá khá mạnh. Theo khảo sát, chỉ trong vòng 2 tuần nay giá dự án đã tiếp tục giảm 5-7 triệu đồng/m2. Vào thời điểm cuối tháng 9, giá đất dự án Vân Canh đã tăng nóng cục bộ do một nhóm nhà đầu tư BĐS đẩy giá lên. Giá liền kề được chào bán phổ biến mức 50 - 55 triệu đồng/m2 lô diện tích nhỏ, diện tích lớn 45-47 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau 2 tuần tăng giá bất thường, giá đất Vân Canh đã cắm đầu lao dốc, liên tục sụt giảm mạnh. Hiện tại, giá các lô đất thuộc dự án này đang được chào bán mức 42 triệu đồng/lô diện tích nhỏ, đường to. Các lô diện tích lớn trên 150m2 được chào bán 38 triệu đồng/m2.
Để thị trường “xì hơi”
Ông Nguyễn Thành Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô cho biết, động thái gom hàng thời BĐS xuống giá chỉ xuất hiện ở một bộ phận dân cư nhỏ họ có sẵn tiền mặt, sau khi ngân hàng có chính sách áp trần lãi suất 14% thì một lượng tiền khá lớn đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng và chảy vào kênh đầu tư vàng và bất động sản.
Mặc dù tuần trước Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố nới tín dụng cho một số khoản vay BĐS. Nhưng điều lạ lùng doanh nghiệp chỉ tiếp nhận nó như "món quà tinh thần". Ông Nguyễn Văn Đực – Phó TGĐ Công ty bất động sản Đất Lành đánh giá, động thái trên của ngành ngân hàng là tốt nhưng nó sẽ không có tác động gì đến các DN xây dựng nhà ở thương mại trong bối cảnh hiện nay. Chính sách này chủ yếu gỡ cho chính Ngân hàng theo lộ trình giảm dư nợ tín dụng của BĐS xuống 16% vào cuối năm nay.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Đỗ Việt – Phó Tổng giám đốc Sông Đà-Thăng Long đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến thị trường hiện nay như: Tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn, chủ trương thắt chặt tín dụng của Chính phủ, chủ trương tấn công vào đầu cơ, nguồn tiền bị phân bổ vào các kênh đầu tư an toàn và dễ thanh khoản hơn như vàng, ngoại tệ hoặc buộc phải xử lý hậu quả của việc sử dụng bòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán, tâm lý tiếp túc chờ xuống tiếp của khách hàng... Ông Việt cũng cho rằng, trong thời gian 1-2 năm tới thị trường BĐS vẫn chưa có nhiều biến đổi với những nguyên nhân gây nên thực trạng của thị trường hiện nay.
Đứng về phía Ngân hàng Nhà nước, TS. Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không còn cách nào khác BĐS phải trở về giá trị thực. Thị trường hiện gần như đang bong bóng, nếu bơm thêm vốn chắc chắn sẽ kéo cả thị trường theo một ảo tưởng mới. “Phải để cho thị trường BĐS “xì hơi" dần dần thì mới mong cứu vãn và người mua nhà cũng được lợi” – TS Kiêm khẳng định.
(Theo DĐDN)