SearchNews

Sắp xử phúc thẩm TGĐ Cty Sàn Bất động sản VN

20/04/2012 09:29

Có “hợp lý” không khi trong vụ án này có ít nhất 283 người bị hại, ít nhất 347 tỷ đồng bị chiếm đoạt nhưng chỉ có một đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Có “hợp lý” không khi trong vụ án này có ít nhất 283 người bị hại, ít nhất 347 tỷ đồng bị chiếm đoạt nhưng chỉ có một đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Sau phiên tòa sơ thẩm, hàng chục người vì mất tài sản nên sinh bệnh (hoặc tự vẫn) mà chết, hàng trăm gia đình khuynh gia bại sản, tan cửa nát nhà.

Đó là những chuyện oái oăm, đau xót có trong và ngoài hồ sơ vụ án Lê Hồng Bàng (SN 1976, Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn Bất động sản Việt Nam - trụ sở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” từng gây xôn xao dư luận Hà Nội.

Sau phiên xử sơ thẩm, hàng trăm người bị hại trong vụ án này đã nhất loạt kháng cáo Bản án số 44/2012/HSST ngày 22/11/2011 của TAND TP. Hà Nội, yêu cầu cấp phúc thẩm làm rõ dấu hiệu Tòa sơ thẩm đã để lọt người, lọt tội.

lừa đảo bất động sản

Những chiêu lừa ngoạn mục

Theo cáo trạng của VKSND TP.Hà Nội và kết quả xác minh của cơ quan điều tra: Từ tháng 3 đến tháng 7/2009, Lê Hồng Bàng, trên cương vị Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn Bất động sản Việt Nam, mặc dù không có khả năng về tài chính, không có chức năng đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để kinh doanh, nhưng đã câu kết với Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Cường Thịnh và Hà Tuấn Linh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Hoàng Hà tạo dựng hồ sơ các dự án nhà ở đều trên địa bàn xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.

Họ thuê vẽ và in ra nhiều tờ bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất, bản đồ phân bố, bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các dự án, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, tổ chức san lấp mặt bằng (trái phép...) rồi quảng bá, giới thiệu về dự án. Sau đó, khách hàng được xem các bản vẽ, được chọn số ô, số lô đất cụ thể ghi rõ tên chủ đầu tư dự án là 3 công ty: CP Sàn BĐS Việt Nam, Cường Thịnh và Hoàng Hà.

Bàng yêu cầu khách hàng ký vào “Đơn đăng ký mua căn hộ” và “Hợp đồng góp vốn”, nộp tiền cho bộ phận kế toán của Công ty, giá mua căn hộ do Bàng tự đặt ra. Sau khi khách hàng ký vào đơn, vào hợp đồng và phiếu thu tiền thì Bàng mới ký vào hợp đồng và phiếu thu cho khách hàng.

Cùng với hành vi ký các hợp đồng liên doanh, “bộ ba” Bàng - Cường - Linh còn tổ chức đến các hộ dân xã Minh Khai (huyện Từ Liêm) để nhận chuyển nhượng diện tích đất rồi cho san nền trên tổng diện tích 10.465m2. Đây cũng là thủ đoạn để khách hàng tin tưởng về các dự án do Bàng, Cường, Linh tạo dựng là có thật.

Thậm chí, để tạo thêm niềm tin cho khách hàng, “chủ đầu tư” còn đưa ra một “danh sách” 25 cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an đăng ký mua nhà và phóng viên báo chí đăng ký “Hợp đồng góp vốn” làm nhiệm vụ môi giới (hưởng chênh lệch) rồi quảng bá rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặc dù chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, chưa thừa nhận 3 công ty là chủ đầu tư..., nhưng từ tháng 3 đến tháng 7/2009, Bàng đã ký 841 phiếu thu tiền và 578 hợp đồng vay vốn gồm 397 người có nhu cầu mua căn hộ, tổng số tiền là hơn 347 tỷ đồng. Số tiền này Bàng chi vào việc khác, chuyển cho Cường 165,9 tỷ đồng, Linh 54,3 tỷ đồng. Đến khi bị khởi tố, Bàng chỉ trả lại tiền cho người bị hại (dưới hình thức thanh lý hợp đồng) là 63 tỷ 479 triệu đồng.

Có bỏ lọt người lọt tội?

Trong phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội tuyên bị cáo Lê Hồng Bàng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xử phạt tù chung thân và phải bồi thường cho 269 bị hại tổng số tiền 199 tỷ 521 triệu 250 nghìn đồng.

Sàn bất động sản

Trước việc Tòa sơ thẩm “bỏ quên” Hoàng Văn Cường và Hà Tuấn Linh, các bị hại đã gửi đi hàng loạt đơn kháng cáo, đơn tố cáo, kêu cứu.

Phải thấy ngay rằng, án sơ thẩm buộc Bàng trả lại tiền cho người bị hại chỉ mang tính hình thức chứ không có cơ sở để bị cáo trả lại tiền cho các bị hại với số tiền đặc biệt lớn như vậy. Thứ nữa, các cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định Bàng “câu kết” với Cường, Linh tạo dựng những dự án không có thật để lừa đảo nhà đầu tư, chiếm đoạt tiền của họ.

Ngược lại, Cường và Linh cũng “câu kết” với Bàng, vì họ có dự án nhà ở tại xã Minh Khai trước Bàng, rồi chiếm đoạt tiền một cách gián tiếp thông qua Bàng. Do vậy, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự của Cường và Linh về cùng một tội danh như Bàng. Đáng ra Tòa án phải tuyên tịch thu số tiền hơn 220 tỷ đồng mà Bàng đã chuyển cho Cường và Linh để trả lại cho các bị hại, nhưng Tòa lại tuyên “dành quyền khởi kiện cho bị cáo... để giải quyết việc bồi hoàn”.

Như vậy, ban đầu là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, đến “khúc đuôi” lại “ló” ra quan hệ dân sự Không lẽ, từ khi phát lệnh truy nã các bị can Cường, Linh, Duy (nhân viên của Cường) đến nay sau 3 năm, 3 kẻ lừa đảo vẫn “biệt vô âm tín” nên tòa đổ hết vào Lê Hồng Bàng? Cũng không lẽ truy nã và bắt các bị can này lại “khó” thế sao? Không chỉ có các đồng phạm Cường, Linh, Duy, vai trò đồng phạm còn thể hiện rất rõ ở các đối tượng Lê Văn Vương, Trần Thị Hồng, Lê Thị Thu Trang, Khuất Tấn Công (đều là nhân viên của Bàng).

Các đối tượng này là người trực tiếp quảng bá, môi giới khách hàng để mua căn hộ, đặc biệt là thu tiền chênh lệch của khách hàng với số lượng lớn, không có giấy biên nhận. Liên quan đến hành vi lừa đảo của Bàng, còn có “vai trò” tích cực của Đoàn Văn Kim (nhân viên của Công ty Cường Thịnh) - người được Bàng chỉ đạo chi tiền sử dụng đất cho 34 hộ dân rồi san nền trái phép. Chi không hết, Kim “ẵm” tiền bỏ trốn.

Thế nên, cơ quan điều tra cần phải làm rõ hành vi phạm tội của các đồng phạm này để xét xử cùng Lê Hồng Bàng trong phiên xử phúc thẩm tới đây - không thể để “lọt người, lọt tội” như cấp tòa sơ thẩm mà các đồng bị hại và dư luận đã gay gắt phản ứng! Các sàn bất động sản khác quảng bá môi giới cho công ty của Bàng để hưởng lợi, cũng cần phải triệu tập.

Đối với số tiền thanh lý hợp đồng 63 tỷ 479 triệu đồng trước khi Bàng, Cường, Linh bị khởi tố, tại sao các công ty này chỉ trả có 126 hợp đồng, thậm chí trả hết? Sao không thông báo tới hàng trăm bị hại kia? Trả như thế hỏi có công bằng? Người bị hại và dư luận có quyền hoài nghi: Phải chăng đó là những người có “thế lực” hoặc là những “cò mồi chân gỗ” - khi đường dây và tổ chức lừa đảo đã hoàn tất?

Trong việc “góp phần” tạo lập hình ảnh và viễn cảnh “sáng sủa” của các DA “ma”, những lô nhà ở... “trên giấy” phải nhắc tới UBND xã Minh Khai, UBND huyện Từ Liêm (Hà Nội). Chính những nơi này đã ra nhiều công văn, văn bản gửi TP.Hà Nội, các sở ban ngành của TP và trung ương nhằm “tiền hô hậu ủng”, thừa nhận tính “khả thi” của các DA “ma” để các đối tượng, từ rắp tâm đến dễ dàng thực hiện những cú lừa hoàn hảo. Bởi vậy chính quyền xã Minh Khai và huyện Từ Liêm cũng như một số cá nhân thuộc Văn phòng UBND TP. Hà Nội, Sở kế hoạch - Đầu tư không thể vô can, đứng ngoài cuộc trước vụ án này!


Các bài đọc nhiều:

Truy tố TGĐ lừa hoa hậu Ngọc Diệp bằng bất động sản ảo

Giám đốc “vẽ” dự án ảo để lừa đảo

Hàng chục tỷ đồng bay theo hai “bà chủ” dự án khu resort

Tạm giam đại gia lừa hoa hậu Vũ Ngọc Diệp

Hoa hậu Ngọc Diệp bị lừa tiền tỷ vì bất động sản ảo

Vỡ nợ 260 tỷ đồng vì buôn đất


(Theo PLVN)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu