Ở phân khúc văn phòng cho thuê, các chủ đầu tư đang đối mặt với tình trạng giá thuê tăng, công suất thuê giảm. Theo số liệu của Savills, tính đến hết Quý 4/2016, tổng nguồn cung văn phòng Viêng Chăn đạt 52.000 m2 từ 11 dự án.
So với các thành phố Đông Nam Á khác thì thị trường văn phòng Viêng Chăn còn khá nhỏ: chỉ bằng 0,6% của Bangkok, 1% của Jakarta, 3% của Hà Nội và Hồ Chí Minh, 17% của Yangon và 28% của Phnôm Pênh.
Về nguồn cung mới, trong 2017, dự kiến sẽ có một dự án tại quận Chanthabuly được tung ra thị trường. Từ 2018 trở đi, thị trường sẽ đón nhận thêm tám dự án mới, tuy nhiên quy mô của các dự án này vẫn chưa rõ ràng.
Savills nhận định, tình trạng khó khăn của các chủ đầu tư sẽ sớm được cải thiện khi nguồn cầu cho các công ty đến từ Châu Á dự kiến sẽ tăng, do FDI vào Lào chủ yếu đến từ các nước này.
Bất động sản Viêng Chăn vẫn là thị trường sơ khai, còn nhiều tiềm năng
trong tương lai.
Còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ cho thuê, Savills ghi nhận đang có giá thuê thấp nhất từ trước đến nay. Theo đó, trong Quý 4/2016, 10 dự án tại bốn quận cung cấp xấp xỉ 515 căn, tăng 3% theo năm. Nguồn cung của Viêng Chăn chỉ chiếm 3% lượng căn của Bangkok, 13% lượng căn của Hà Nội và 34% lượng căn của Yangon.
Tính tới Quý 4/2018, 4 dự án mới được ghi nhận tại Vientiane, một trong số đó cung cấp 100 căn. Các chủ đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Việt Nam) và liên doanh giữa Lào và Trung Quốc/Việt Nam.
Tương tự phân khúc căn hộ dịch vụ cho thuê, phân khúc khách sạn tại Viêng Chăn cũng đang đối mặt với tình trạng giá thuê giảm do nguồn cung lớn. Tính đến cuối năm 2016, toàn thị trường Viêng Chăn có 41 khách sạn từ 3 đến 5 sao cung cấp khoảng 3.100 phòng.
Savills cho biết, trong Quý 4/2016, giá thuê phòng trung bình của phân khúc 3 đến 5 sao đạt 63USD/phòng/đêm; công suất trung bình đạt 74%; doanh thu phòng trung bình đạt 47USD/phòng/đêm. Nguồn cung lớn làm gia tăng cạnh tranh và giảm giá thuê phòng so với các năm trước. Công suất khách sạn tại Viêng Chăn cao hơn các tỉnh khác do Viêng Chăn là cửa ngõ du lịch của cả nước.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2016, Lào xếp thứ 7 (trên 184 quốc gia) với tốc độ tăng trưởng tỷ lệ đóng góp của du lịch và lữ hành vào GDP đạt 6,6 phần trăm.
Trong năm 2017, ba khách sạn 5 sao với khoảng 560 phòng sẽ gia nhập thị trường.