Tiến sĩ Chua Yang Liang, Trưởng phòng Nghiên cứu Đông Nam Á và Singapore của JLL nhận định, các dự án bất động sản ven sông đang ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư ở phân khúc khách sạn, giải trí và nhà ở với nhiều ý tưởng khác biệt, độc đáo so với trước đây.
Tại thị trường Sydney, giới đầu tư ngoại đang tranh nhau thâu tóm những dự án bất động sản khách sạn hiện hữu tại cảng Darling Harbour. Bên cạnh đó, những dự án mới như The Harbour Royale Developments trị giá 10 triệu đôla Australia cũng đang được xây dựng rầm rộ. Trong khi đó, dự án cải tạo thành phố Bay City (Manila) đang được thiết lập để định hình lại thủ đô.
Dự án có mảng xanh là một tiêu chuẩn cao cấp trong không gian đô thị hiện đại. Hướng nhìn ra sông hoặc bến cảng tạo cảm giác cởi mở và kết nối với thế giới tự nhiên là một điểm hấp dẫn khách mua. Theo Chua Yang Liang: "Cả người mua để ở lẫn nhà đầu tư đều bị thu hút bởi các vị trí ven sông có tầm nhìn mở rộng và phong cách sống thích hợp cho nghỉ dưỡng".
Đô thị ven sông đang trở thành thị phần bất động sản hấp dẫn được giới
đầu tư châu Á Thái Bình Dương săn đón. (Ảnh: Australia.com)
Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, khá nhiều thành phố khác cũng đã và đang thực hiện các dự án phát triển khu vực ven sông. Chẳng hạn như, tại Singapore, khu vực ven sông xung quanh Marina Bay Sands đã trở thành tâm điểm về sự thành công nhất trong khu vực. Còn Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch cung cấp các dịch vụ công cộng như đường đi bộ, đường dành cho xe đạp dọc 2 bên bờ sông, khi có sự hợp tác từ khu vực tư nhân, có thể mang lại những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhu cầu bất động sản ven cảng và sông tại Hong Kong đã tồn tại. Rất nhiều đề xuất táo bạo về lối đi cho người đi bộ và các bãi biển nhân tạo dọc bến cảng Victoria. Theo đó, một dự án tiềm năng về tái phát triển trị giá 12 tỷ đôla Hong Kong có thể làm thay đổi diện mạo cho Đặc khu Hành chính (SAR).
Thế nhưng, chuyên gia của JLL thừa nhận rằng, không phải mọi dự án ven sông đều nhanh chóng gặt hái thành công mà vẫn tồn tại nhiều chướng ngại vật. Đa số các bất động sản tại Hong Kong nằm ở khu vực ven sông đều không mở ra công cộng, điều này khiến cho nhiệm vụ phát triển các dự án này không hề đơn giản. Còn tại Thái Lan, việc tiếp cận bờ sông khá khó khăn. Những quy định về xây dựng dọc theo bờ sông luôn nghiêm ngặt, vì thế sự phát triển của dự án gặp nhiều hạn chế.
Theo JLL, trong khi nhu cầu lối sống ven sông đang có xu hướng gia tăng, nguồn cung lại hạn hẹp, thị trường này trở thành miếng bánh thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, không có quá nhiều khu vực ven sông tại các thành phố hay quốc gia được phát triển.
Giới chuyên gia nhận định, các nhà phát triển dự án sẽ dẫn dắt thị trường theo hướng mà người mua của họ mong muốn. Những dự án đô thị ven sông táo bạo tập trung vào khoảng không có mặt nước sẽ giúp cho đường chân trời tại các thành phố lớn ven sông ở châu Á ngày càng rộng mở. Trong thời gian tới, phân khúc bất động sản này sẽ thiết lập nhiều sự thay đổi tích cực và táo bạo hơn nữa.