Vài năm trước, một trường đại học tại phường Mangu (Seoul) di dời sang khu vực khác đã kéo theo sự dịch chuyển một lượng lớn sinh viên. Vì thế, hàng chục căn nhà không người ở, rơi vào tình trạng bỏ hoang. Đồng thời, nhiều người không còn mặn mà sinh sống tại đây bởi các điều kiện an ninh, vệ sinh xuống cấp nhanh chóng.
Nhà bỏ hoang đã và đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc.
Hệ lụy từ những ngôi nhà bỏ hoang không chỉ tác động tiêu cực lên thị trường bất động sản mà nền kinh tế địa phương cũng phải hứng chịu những ảnh hưởng nhất định. Không ít cửa hàng tại đây mất đi một lượng khách hàng lớn, ế ẩm triền miên, buộc phải đóng cửa.
Số liệu mới nhất của chính phủ Hàn Quốc cho biết, số nhà bỏ hoang sẽ tăng từ 840.000 căn năm 2015 lên trên 3 triệu vào năm 2050, trung bình cứ 10 căn nhà lại có 1 căn không có người ở. Có thể nói, nhà bỏ hoang thực sự trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc.
Trước thực trạng đó, giới chức trách nhiều địa phương tại Hàn Quốc đã thành lập các văn phòng quản lý bất động sản bỏ hoang, miễn phí tiền thuê nhà trong 2 năm nhằm thu hút người dân đến ở. Mặt khác, các chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng những ngôi nhà này. Tuy vậy, vấn đề này không hề đơn giản bởi chi phí bỏ ra khá lớn.