SearchNews

Giá nhà cao đẩy người dân ra khỏi Sydney

17/04/2017 14:33

Akhilesh Mehta buông mình xuống ghế xe bus, chuẩn bị tâm lý cho hành trình kéo dài 1,5h tiếp theo để tới nơi làm việc tại trung tâm thành phố Sydney từ ngôi nhà của mình tại vùng ngoại ô.

Khi chuyến xe bắt đầu lăn bánh qua chặng đường ghập ghềnh, nhân viên kế toán 48 tuổi này cho biết, ông chấp nhận chặng hành trình này mỗi ngày vì một lý do duy nhất: ông chỉ đủ khả năng chi trả để mua một căn nhà ở vùng rìa thành phố.

Giá nhà cao đẩy người dân ra khỏi Sydney
Hàng người xếp hàng từ sáng sớm tại vùng ngoại ô để đợi xe bus tới Sydney

Hệ quả từ tăng trưởng nhanh

Sydney đóng góp gần 25% tăng trưởng GDP của Australia trong năm tài chính vừa qua. Để làm được điều này, tất nhiên người dân thành phố phải trả cái giá nhất định. Khi những người làm thuê đổ về Sydney, việc thiếu hụt nguồn cung nhà cộng với môi trường lãi suất thấp ở mức kỷ lục đã khiến nơi này trở thành thị trường bất động sản đắt đỏ thứ hai trên thế giới. Giá nhà tại Sydney đã tăng 19% trong 12 tháng qua, khiến nỗi lo lắng giá nhà vượt quá tầm tay của nhiều người, đặc biệt là người trẻ, trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá nhà cao chót vót đang trở thành mối lo chính trị lớn nhất đối với thị trường mới của thành phố - bà Gladys Berejiklian, người đã cam kết sẽ đưa giá nhà về mức dễ chịu trở lại trong nhiệm kỳ của mình khi bà nhận vị trí vào cuối tháng 1/2017.

Giá nhà tại Sydney đã đạt mức đỉnh cao nhất 15 năm qua vào năm 2016, mặc dù bà Berejiklian cho rằng, chính quyền bang hiện chỉ đang chơi trò đuổi bắt sau “một thập kỷ đầu tư chưa đúng mực”.

“Chúng ta cần cung cấp thêm khoảng 100.000 ngôi nhà nữa để thực sự đáp ứng được nhu cầu”, bà Berejiklian nói.

Nền kinh tế Australia được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào thuộc G8 trong 3 năm tới, theo khảo sát các chuyên gia kinh tế do Bloomberg thực hiện, trong đó Sydney là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Những hệ quả kéo theo mà Sydney phải chấp nhận hiện có thể so sánh với các “đối thủ” khác như New York hay London.

Bên cạnh đó, Australia đang có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các tỷ phú trên toàn cầu, khiến đây là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng tài sản nhanh nhất trên thế giới, theo New Wold Wealth. Việc thiếu các căn nhà với mức giá hợp lý là một hệ quả của quá trình phát triển nhanh chóng của các thành phố trên toàn cầu, trong đó có Sydney.

Thách thức khó giải quyết

Có một số rào cản trong việc gia tăng nguồn cung nhà tại Sydney. Thành phố này được bao bọc bởi các dãy núi tại phía tây, đại dương ở phía đông, các dòng sông cùng công viên tự nhiên quốc gia tại phía bắc và phía nam. Điều này khiến nguồn cung đất trống để xây dựng nhà ở bị hạn chế, trong khi việc gia tăng mật độ xây dựng nhà cửa tại khu vực ngoại ô gặp phải sự phản đối từ cư dân.

Bà Gladys Berejiklian
Bà Gladys Berejiklian

Thực trạng này đồng nghĩa với việc, trong 3 năm qua, gần 70% các khu nhà mới được xây dựng trong bán kính không quá 30 km từ trung tâm kinh tế chính tại Sydney, theo số liệu từ nhà tư vấn bất động sản Charter Keck Cramer.

Bên cạnh đó, ngay cả những ngôi nhà xây cách xa thành phố cũng không hề rẻ. Tại Đồi Rouse, một khu vực nông thôn, giá nhà mới xây dựng đã tăng 63% kể từ năm 2012 tới nay, bao gồm cả mức tăng 7,8% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 2/2017, theo số liệu cung cấp bởi CoreLogic Inc.
ảnh 2
 
“Để mua được những căn nhà tại đây, bạn cần có thu nhập tối thiểu 120.000 AUD/tháng. Điều này chỉ xảy ra khi bạn làm việc có tại khu trung tâm thương mại tài chính lớn nhất Sydney”, Dean Fribence, người điều hành một công ty cung cấp dịch vụ xe bus từ ngoại ô tới Sydney cho biết.

Kể từ khi nhận chức cho tới nay, bà Berejiklian đã tiến hành thực hiện một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 53 tỷ AUD, bao gồm cả tuyến đường sắt nối Đồi Rouse với thành phố và các tuyến đường cao tốc mới, như một phần của nỗ lực kiềm chế giá nhà tăng quá nóng và rút ngắn lại các quãng đường.

giá nhà cao
Các ngôi nhà đang được xây dựng tại Đồi Rouse

Tuy nhiên, đó là tất cả những gì chính quyền mới làm được cho tới hiện tại. Thực tế, bà Berejiklian cũng gặp những trở ngại trong việc đưa ra chính sách mới.

“Tôi không thể kiểm soát các chính sách kinh tế vĩ mô, tôi cũng không thể kiểm soát việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Trung ương, hay giới chức làm gì với việc cho vay”, bà Berejiklian trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu