SearchNews

Mô hình căn hộ chia sẻ co-living bùng nổ tại châu Á

03/03/2018 08:37

Mô hình căn hộ chia sẻ co-living khởi điểm tại châu Âu và Mỹ và hiện nay đang bùng nổ tại Hong Kong, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore...

Báo cáo "Thu hẹp khoảng cách nhà ở" của Jones Lang LaSalle (JLL) cho thấy, thế hệ millennials ở các nước châu Á đang ngày càng hướng tới văn hóa chia sẻ. Cụ thể, những người trẻ có cùng sở thích và lối sống sẽ ở với nhau trong một mô hình mới được gọi là co-living. Thực tế cho thấy, ngoài chia sẻ nơi làm việc, họ còn chia chuộng chia sẻ phương tiện di chuyển và nhà ở.

Báo cáo cũng cho thấy, mô hình co-living đang tăng trưởng ở châu Á, đặc biệt là tại những nơi mà nhu cầu về nhà ở bình dân tăng cao như Trung Quốc, Hong Kong. Có thể thấy rằng, việc nhiều sinh viên hay người mới đi làm thuê chung một ngôi nhà và ở cùng nhau rất phổ biến ở nhiều quốc gia, tuy nhiên mô hình co-living có sự khác biệt là sự chuyên nghiệp trong cách quản lý. 

Các nhà khai thác mô hình này tập trung vào những yếu tố mang tính kết nối cộng đồng như những bữa tiệc có khách mời đặc biệt, những buổi hội thảo, những buổi chiếu phim, lớp học yoga...  cho cư dân.

Theo ông Denis Ma, Giám đốc Nghiên cứu thị trường của JLL tại Hong Kong, trước những khó khăn về nhà ở Hong Kong, sự xuất hiện của mô hình co-living chính là giải pháp hữu hiệu, vừa giúp giảm bớt tiền thuê nhà, vừa cải thiện được phúc lợi cho cư dân.

căn hộ chia sẻ co-living
Mô hình căn hộ chia sẻ co-living xuất hiện tại Mỹ, châu Âu. Ảnh: treehugger.com

Tại Trung Quốc, co-living lần đầu xuất hiện vào năm 2012 với thương hiệu YOU+ International Youth Community và một số nhà điều hành khác. Đến cuối năm 2016, tại thị trường này đã có hơn 90 triệu thương hiệu co-living khác nhau. Đáng kể nhất là căn hộ Vanke Port với 60.000 căn do một nhà khai thác lớn ở Trung Quốc quản lý. YOU+ cũng đã phát triển được 16 dự án, Coming Space điều hành 10.000 căn hộ, ZiRoom quản lý 7 dự án hay Mofang có số căn hộ tăng lên đến 15.000 căn.

Báo cáo từ bộ phận nghiên cứu thị trường của JLL tại Trung Quốc cho thấy, nhu cầu co-living của thế hệ millennials tại đây rất lớn. Trong vòng 5 năm qua, tại đất nước tỷ dân đã cso 43 triệu sinh viên tốt nghiệp. Vì giá nhà ở tại thị trường cấp 1 và các thành phố cấp 2 quá cao nên sinh viên sẽ mất khoảng 3 - 5 năm để có thể mua nhà, điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải đi thuê nhà trong thời gian đó. Vì thế, nhu cầu co-living chắc chắn sẽ còn rất lớn.

Lấy ý tưởng từ co-living, nhiều nhà khai thác còn tìm cách gộp nơi làm việc với nơi ở. Tại thị trường Ấn Độ, hiện đã có 2 nhà khởi nghiệp phát triển mô hình co-living ở Bengaluru và 4 ở Gurgaon.

Tại Singapore, Aurum Investment đã đầu tư vào công ty khởi nghiệp co-living Hmlet. Bên cạnh đó, nhà khởi nghiệp 5Lmeet cũng đã phát triển sản phẩm của mình, tạo ra cho cư dân một không gian văn phòng mở với nhiều tiện ích như phòng gym, nhà hàng, không gian tổ chức sự kiện. Đơn vị này nhận định, thị trường co-living đang thu hút các nhà đầu tư và những chủ nhà có tài sản, nhất là trong lĩnh vực khách sạn. Các khách sạn giá rẻ, bình dân chính là những loại hình bất động sản đầu tiên có thể chuyển đổi thành co-living vì kích thước phù hợp và có kinh nghiệm quản lý. Với các loại bất động sản khác, để chuyển sang co-living sẽ càn mất nhiều tiền bạc cũng như thời gian.

Bên cạnh đó, yếu tố bền vững và kịp thời cũng cần được chú trọng. Những dự án co-living được thiết kế và trang trí hiện đại để có thể hấp dẫn cư dân. Tuy nhiên, để duy trì được phong độ của những không gian chia sẻ này thì các nhà điều hành cần phải chú ý đến việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu