Detroit không phải là thành phố duy nhất chứng kiến xu hướng trên. Tỷ lệ sở hữu nhà ở Mỹ hạ liên tục trong một thập niên khi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến hàng triệu người sở hữu nhà trở thành người đi thuê và điều kiện nhà đất khó khăn khiến người thuê mướn khó tậu nhà. Ngoài ra, cơ cấu nhân khẩu học thay đổi, chuyện người trẻ dọn ra khỏi căn hộ của cha mẹ họ và số dân Mỹ gốc Tây Ban Nha tăng lên, cũng là yếu tố khiến thuê mướn “nóng” hơn mua.
Tỷ lệ sở hữu nhà giảm ở các thành phố Mỹ Ảnh: Bloomberg
Năm 2015, 52 trong tổng số 100 thành phố lớn nhất nước Mỹ có số người thuê nhà nhiều hơn mua nhà, theo Cục Điều tra dân số Mỹ. 21 thành phố trong số này có số người thuê nhà nhiều hơn mua từ năm 2009. Các đô thị này bao gồm nhiều thị trường nhà đất nóng như Denver, San Diego, Baltimore và Detroit.
Dù tỷ lệ sở hữu nhà ở Mỹ có đi lên trong nửa cuối năm 2014, hiện có nhiều lý do cho thấy xu hướng thuê mướn vẫn sẽ tiếp tục. Báo cáo năm 2015 của Urban Institute dự báo chuyện thuê mướn vẫn sẽ gia tăng cho đến năm 2030 vì chi phí đi thuê hạ và xu hướng nhân khẩu học thay đổi.
Trong ngắn hạn, điều kiện thị trường nhà đất cũng là yếu tố đóng vai trò lớn. Có ít hơn 1 triệu căn nhà có mặt trên thị trường trong quý 1/2017, mức thấp nhất từ năm 2012. Thiếu hụt nguồn cung nhà khiến người đi thuê khó mua tậu. Trong khi đó, chủ sở hữu nhà, trong đó có nhiều nhà đầu tư Phố Wall và nhà đầu tư nhỏ lẻ, tiếp tục đổ tiền vào các căn nhà cho một hộ gia đình.
Thay đổi này có thể đặt ra thách thức mới cho các đô thị không được chuẩn bị để đáp ứng tình hình người thuê nhiều hơn người mua. Phần nhiều hộ gia đình thu nhập thấp không muốn thuê nhà, mà phải thuê vì họ không có khả năng mua. Vì vậy, nhiều đô thị Mỹ cũng cần quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho người thuê nhà bên cạnh việc khuyến khích xây dựng thêm.