Mức tăng trưởng khiêm tốn này đã đi ngược lại với sự kì vọng về thị trường trong bối cảnh có nhiều cơ hội mới sắp được mở ra khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015.
Thực tế, các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt với không ít các vấn đề, cản trở các nhà phát triển BĐS khởi động và duy trì các dự án mới. Dù giá đất vẫn được tăng đều, nhưng lượng giao dịch trên thị trường lại chưa thực sự khởi sắc như mong đợi.
Giá đất tăng nhanh cùng tỉ suất lợi nhuận cao hơn đã khiến thị trường địa ốc Bangkok đang dần chuyển hướng sang phân khúc cao cấp. Trong khi đó, tốc độ tăng giá BĐS tại Jakarta đã bắt đầu có sự chững lại ở nửa đầu năm 2015. Theo nhận định của Knight Frank, kết quả này là do tác động của sự suy thoái kinh tế tại Indonesia đã ảnh hưởng đến tâm lý của người mua. Ngoài ra, mức thuế được áp dụng mới đối với BĐS hạng sang mới được ban hành cũng gây nên không ít sự tranh cãi và những phản ứng tiêu cực của thị trường.
Giao dịch BĐS của các nước thành viên ASEAN không đạt được như kỳ vọng.
BĐS của thị trường Kuala Lumpur và Singapore đang phải trải qua giai đoạn khó khăn hơn cả so với các nước láng giềng trong cùng khu vực. Lượng giao dịch địa ốc liên tục giảm do tác động của các biện pháp “làm mát” thị trường cùng chính sách tài khóa mới của chính phủ.
Trong khi đó, Phnom Penh lại nổi lên như một điểm đến mới, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư BĐS quốc tế. Khác với sự lặng sóng trên thị trường địa ốc ở hầu hết các quốc gia ASEAN, Campuchia cũng đang đón một làn sóng khá mạnh mẽ đến từ các nhà phát triển dự án và giới đầu tư đang mở rộng tìm kiếm cơ hội từ BĐS giá rẻ và các chính sách nới lỏng quyền sở hữu BĐS đối với người nước ngoài. Ông Ross Wheble, Giám đốc chi nhánh Knight Frank tại Campuchia cho hay, chính phủ nước này đã cho phép người nước ngoài được sở hữu vĩnh viễn BĐS tại đây.
Dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015, AEC được đặt nhiều kì vọng sẽ mở ra một dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ vào thị trường ASEAN. Ngoài ra, sự phát triển của nguồn lao động chất lượng cao sẽ góp phần kích thích sự chuyển mình và đa dạng hóa của tất cả các ngành, tạo ra nguồn cầu cho thị trường nhà đất, mang đến nhiều tiềm năng tăng trưởng cho những thị trường mới nổi, có giá rẻ như Campuchia.
Theo như thông tin trong báo cáo của Knight Frank, tốc độ tăng trưởng của BĐS Phnom Penh trong 6 tháng đầu năm cao hơn so với mức trung bình của toàn thị trường ASEAN, nhất là về giá. Cụ thể, giá bán của phân khúc hạng sang tại thủ đô Campuchia đã tăng tới 26% kể từ đầu năm, bỏ xa so với mức tăng 13,1% trong cùng kì của Bangkok.
Phnom Penh cũng là thị trường đang được các nhà phát triển BĐS nước ngoài như tập đoàn Creed Group của Nhật mở rộng phạm vi hoạt động. Theo thông tin từ tờ Phnom Penh Post, 3 dự án BĐS tại thủ đô Campuchia vừa được Creed Group cam kết đầu tư 248 triệu USD trong vòng 3 năm tới.
Bộ trưởng Bộ Quản lý đất đai, Quy hoạch đô thị và Xây dựng Campuchia, Im Chhun Lim cho biết: “Sự quan tâm của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã phần nào phản ánh được niềm tin đối với chính sách kinh tế mở cửa cũng như sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của đất nước Campuchia. Động thái này cũng thể hiện được sự lạc quan, tin tưởng vào sự suôn sẻ trong các quan hệ kinh tế của ASEAN khi AEC được thành lập vào cuối năm"
Thị trường BĐS Phnom Penh được Kight Frank dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong 6 tháng cuối năm 2015. Song, các nhà quản lý vẫn cần phải kiểm soát tốc độ tăng giá nhà đất ở mức vừa phải hơn.