Những số phận vô gia cư ngủ trên vỉa hè, dưới mái vòm thành phố Nice,
miền Đông Nam Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Một số tờ báo lớn của Pháp như Le Figaro, Le Point, 20 minuites được xuất bản trong ngày 3/2 đều cho rằng, hiện tượng trên là một lời cảnh báo đáng ngại, một tín hiệu SOS, một "hiện trạng đau đớn" đối với nước Pháp. Người dân Pháp đang chịu sự tác động hết sức mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng.
Chính phủ Pháp trong 20 năm qua dù đã hết sức nỗ lực với nhiều sáng kiến, nhiều luật được đưa ra nhằm hỗ trợ người khó khăn nhưng mục tiêu đề ra vẫn không thể đạt được. Những số phận vô gia cư bên lề xã hội vẫn còn rất nhiều.
Trong số 3,5 triệu người trên, có 141.500 người gồm cả người lớn và trẻ em thực sự là những người vô gia cư. Con số này đã tăng lên đến 50% trong vòng 10 năm qua.
Trên đất nước Pháp hoa lệ, ngườ ta có thể dễ dáng bắt gặp những người vô gia cư (SDF) trên các tuyến phố, vườn hoa, công việc, trong một chiếc lều căng bằng vải dù, trong nhà ga tàu điện ngầm, hoặc một trung tâm xã hội chuyên đón tiếp những người SDF. Có đến 440 người vô cư đã chết trong năm 2014 và 91,8 % trong số đó là đàn ông, những người lang thang, thất nghiệp, cao tuổi, khốn khó, từng vào tù.
Ông Manuel Domergue, Giám đốc nghiên cứu của Quỹ Abbé Pierre cho biết, diện tích của các trung tâm đón tiếp thường không đủ đáp ứng hết những đề nghị của các đối tượng này, nếu có hai cuộc điện thoại đề nghị thì mạng lưới hỗ trợ của chính quyền và xã hội chỉ đáp ứng được một.
Cũng theo Quỹ Abbé Pierre thì người vô gia cư tại các tỉnh có tuổi thọ trung bình là 47 tuổi và tại vùng Ile-de-France là 55. Trong khi, tuổi thọ trung bình của người Pháp là 78,5 tuổi đối với nam và 84,9 đối với nữ thì .
Và không chỉ mình người vô gia cư mà còn rất nhiều người dân cũng đang mòn mỏi xếp hàng chờ để được thuê hoặc mua một căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội.
Theo số liệu thống kê, thị trường chỉ cung cấp được 450.000 căn hộ mỗi năm, trong khi nhu cầu thuê, mua lên đến 1,8 triệu cặp vợ chồng.
Thực tế, chính quyền Pháp cũng đã có nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng này, điển hình như Luật SRU và Luật Dalo yêu cầu chính quyền địa phương xây nhà ở xã hội cho người nghèo và bố trí chỗ ở cho những người có hoàn cảnh bấp bênh đã được Quốc hội Pháp đã thông qua. Tuy vậy, vẫn còn có rất nhiều rào cản khiến các chính sách đó không thể thực hiện được.
Một trong những rào cản đó được Quỹ Abbé Pierre phân tích rằng, do chính quyền không đánh giá đúng mức về cuộc khủng hoảng nhà ở, sự khắc nghiệt của ngân sách đã kìm hãm chính sách xã hội và "hệ tư tưởng theo đuôi thị trường."
Đồng thời, báo cáo cũng nêu lên yêu cầu cần tăng cường công tác đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội và tái khởi động kế hoạch xây mới hàng năm 500.000 nhà ở trong đó 150.000 thực sự là nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu do tăng dân số cơ học.
Và "Bản Khế ước xã hội về một chính sách nhà ở mới" đã được Tổng thống Pháp François Hollande cam kết thực hiện, công bố vào năm 2012 được xem là cơ sở để thực hiện chính sách trên.