“Cần câu cơm” bị giam
Huyện Đại Lộc có 18 xã, thị trấn, trong đó có 13 xã, thị trấn có đất lâm nghiệp. Trong những năm qua, Phòng Tài nguyên- Môi trường (TNMT) huyện Đại Lộc, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại Đại Lộc đã tiến hành đo đạc, lập hồ sơ địa chính.
Từ những năm 2012-2013, huyện đã in 3.669 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân với chi phí lên đến hàng tỷ đồng.
Thế nhưng đã hơn 3 năm nhưng hàng ngàn hộ dân ở các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn, Đại Chánh, Đại Thạnh… vẫn chưa nhận được sổ đỏ.
Ông Lê Nguyện (xã Đại Lãnh, Đại Lộc chia sẻ: “Gia đình tôi khai hoang khu rừng từ năm 1980 và có 4ha đất lâm nghiệp. Năm 2007, chính quyền bắt đầu cho người về đo đạc và bảo sẽ cấp sổ đỏ cho tôi. Đầu năm 2013, gia đình tôi nghe thông tin chính quyền đã ra sổ cho tôi rồi nhưng đợi đến nay vẫn chưa có. Kinh tế khó khăn mấy năm rồi, muốn có cái sổ để vay ngân hàng ít tiền mua thêm cây, con giống tăng nguồn thu nhập nhưng đành chịu”.
Ông Võ Hưng lo lắng khi chưa nhận được sổ đỏ
Ông Võ Hưng (xã Đại Hưng) lo lắng: “Tôi có 1ha rừng, chính quyền đã đo đạc từ năm 2012 nhưng chưa thấy giao cho gia đình. Ở xã này, một số gia đình đã được nhận sổ rồi. Không biết chút tài sản của chúng tôi bây giờ ra sao, Nhà nước có thay đổi gì rồi?”.
Đây cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn hộ dân ở các xã trên địa bàn huyện Đại Lộc.
Hàng tỷ đồng đổ sông
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TNMT Quảng Nam) thừa nhận sai sót trong đo đạc của nhiều cấp: “Sau khi đo đạc (từ 2007 - 2010), nhiều thửa đất nằm trong quy hoạch mới được phê duyệt phát triển khu đô thị, khu công nghiệp. Nhiều khu vực đất lâm nghiệp người dân đang sản xuất, nhưng trước đây thuộc đất rừng các dự án, do Nhà nước quản lý (như 327, 661, PAM, JICA, 5 triệu ha rừng…) chưa có quyết định giao cho dân quản lý nên chưa thể trao giấy chứng nhận được”.
Ông Ba cũng cho biết, hiện một số nơi, do dự án đã kết thúc, nhưng việc đo đạc theo dự án của Bộ TNMT chưa làm xong, giao về cho địa phương thực hiện, nhưng địa phương thiếu kinh phí, thiếu nguồn nhân lực nên chậm triển khai.
Ông Ba cho biết thêm: “Trong trường hợp này, UBND huyện Đại Lộc nên có văn bản về Sở để có phương án điều chỉnh. Hoặc ít nhất, UBND các xã báo cáo đăng ký với chi nhánh đất đai tại huyện Đại Lộc để giải quyết chồng lấn diện tích đất lâm nghiệp trong diện tích mồ mả, cũng như trong diện tích rừng phòng hộ chồng lấn”.
Nguyên nhân thì đã rõ, nhưng hàng tỷ đồng ngân sách của Nhà nước đã đổ sông, đổ biển từ sai sót của chính quyền các cấp. Đời sống của hàng ngàn người dân huyện Đại Lộc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bao nhiêu năm nay, ai chịu trách nhiệm? Câu hỏi đang chờ chính quyền Quảng Nam trả lời thỏa đáng!