Kẹt thang máy, hệ thống báo cháy kém hiệu quả, thiếu không gian cộng đồng, tâm lý bất an cộng thêm ẩn số về độ bền của công trình... là những rào cản lớn khiến nhà cao tầng chưa đủ sức thuyết phục người dân an cư lạc nghiệp.
Chị Mỹ, chủ hộ B8-7, chung cư Khánh Hội, quận 4, TP HCM kể lại những ngày đầu tiên mới dọn tới đây: "Tòa nhà 8 tầng cao thế này mà chỉ dùng một thang máy. Tầm 6 giờ sáng luôn kẹt cứng và chờ đợi rất lâu. Bạn bè, họ hàng đến chung cư đều phải mua vé thang máy. Tôi thấy chẳng văn minh tý nào vì gây ấn tượng xấu với khách".
Trong hợp đồng mua bán, chung cư Khánh Hội có 3 thang máy, hai thang phục vụ nhu cầu lên xuống, thang còn lại dùng vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên theo các hộ dân, thực tế chỉ có một thang máy được sử dụng thường xuyên. Sau này dù có nhiều kiến nghị thay đổi cách quản lý nhưng hiếm khi 3 thang hoạt động cùng một lúc.
Câu chuyện thang máy càng trở nên căng thẳng hơn ở các chung cư dành cho người có thu nhập thấp. Theo lời kể của một cán bộ ngành xây dựng, rất nhiều người dân sống trên những chung cư xã hội (chung cư dành cho người có thu nhập thấp) chỉ dám đi thang bộ dù ở trên những tầng rất cao. Lý do là nếu dùng thang máy thường xuyên với giá 500 đồng/lượt thì chi phí cho việc đi lại của cả nhà mất gần 300.000 đồng/tháng.
Thêm vào đó, lúng túng trong việc sử dụng hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng là một yếu tố gây không ít hoang mang. Chị Ngọc Yến chủ hộ 2.05B tại chung cư Mỹ Thuận, quận 8, phản ảnh: "Hễ nhà nào đốt nhang thì 3 lô chung cư báo động ầm ĩ. Tôi luôn có cảm giác không an toàn vì báo cháy loạn xạ. Chẳng biết lúc nào cháy thật, lúc nào cháy giả".
Chung cư Ngô Tất Tố và Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh, đã hơn 3 năm sử dụng thế nhưng tại đây vẫn nhan nhản biển "cần bán nhà" hoặc "cho thuê căn hộ". Một người đang rao bán căn hộ của mình tâm sự: "Lúc đầu gia đình đã bỏ nhà phố dọn về chung cư này vì gần chợ, gần trung tâm đồng thời được sống rộng rãi hơn. Tuy nhiên sau một thời gian ở đây, cả nhà đều thấy không quen vì cảm giác cô lập với bên ngoài và thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng. Cuối cùng lại quay về nhà phố".
Theo Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Phát triển đô thị và cộng đồng ĐH Quốc gia TP HCM, một trong những tập tính tiêu biểu của người Việt là sống hòa mình với cộng đồng và có tính "bầy đàn" cao.
"Dân mình thích ở gần nhau, nhìn thấy nhau, chia sẻ với nhau khi vui cũng như khi buồn. Do cấu trúc căn hộ cao tầng luôn khép kín, mỗi gia đình đóng cửa lại tạo ra một thế giới riêng biệt, hoàn tòan độc lập làm cho người ta có cảm giác cô đơn, lạnh lẽo, tâm lý dễ bất an và ớn lạnh khi ở một mình", ông Hòa nhận xét
Bên cạnh đó, cảm giác bất an khi ở nhà chung cư còn xuất phát từ sự hoài nghi về độ bền vững của công trình. Chị Phan Uyển Chi, một kiểm toán viên chuyên nghiệp đang lên kế hoạch tìm mua nhà chung cư, nhưng vì các tầng thấp không còn chỗ nên thôi không mua nữa. Chị Chi bộc bạch: "Tôi ngại ở tầng cao vì gần đây có quá nhiều tai nạn sập nhà, sập trần mà hầu hết đều là những tầng phía trên của tòa nhà. Mua tầng thấp vẫn an tâm hơn".
Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, chuyên viên cao cấp ngành xây dựng Việt Nam nhận định: "Tâm lý người thành phố thích ở nhà thấp tầng vì độ bền vững của những tòa nhà cao vẫn còn là ẩn số. Hiện nay chưa có cơ quan nào từ Sở đến Bộ, kể cả chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng quản lý vấn đề này. Đây là một yếu tố khiến người dân luôn cảm thấy lo lắng khi ở nhà cao tầng".
Là một trong những doanh nghiệp thành công trong giới bất động sản, Tổng Giám Đốc công ty Cổ Phần đầu tư xây dựng Phú Hưng Gia, bà Lê Thúy Hương thừa nhận: "Với tâm lý của người Việt Nam, không ai chịu bỏ tiền tỷ để vào sống trong một căn hộ ngột ngạt như cái chuồng chim. Các tiện ích dịch vụ không thỏa mãn nhu cầu cũng sẽ phá hủy một công trình lớn".
Tổng giám Đốc công ty Phú Hưng Gia cũng cho rằng, khách hàng tuy khó tính nhưng cũng rất dễ gần, chủ đầu tư nên đặt mình vào cương vị người sống trong tòa nhà này để có cách thiết kế phù hợp và đầu tư vào chất lượng công trình nhiều hơn là chạy theo lợi nhuận. "Để tồn tại trong giới kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư cần phải có cái tâm", bà Hương nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia địa ốc khẳng định, mặc dù nhà chung cư luôn có nhiều phiền toái nhưng nhu cầu vẫn cao. Một hiện tượng phổ biến là các căn hộ này từ cao cấp đến bình dân không đến được tay người có nhu cầu thực sự mà lọt vào tay một số người giàu có nhiều tiền mua để kinh doanh.
Phó tổng giám đốc công ty địa ốc Hoàng Quân, ông Trương Thái Sơn nhận định: “Nhu cầu nhà chung cư luôn “nóng”. Ngay từ khi còn trong dự án đã có nhiều trường hợp một người đăng ký mua nhiều căn. Mục đích chính vẫn là đầu tư, mua đi bán lại hoặc cho thuê, con số này chiếm 70%. Điều này lý giải vì sao có những người mua căn hộ với giá rất mềm nhưng cũng có người mua nhà giá rất cao vì qua tay nhiều chủ".
Ái Lê