Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, bộ Xây dựng đã phân loại nâng cấp 15 đô thị, nâng tổng số đô thị Việt Nam lên 725 đơn vị.
Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát công tác quản lý hệ thống đô thị, các khu đô thị mới, khu đô thị cải tạo, nâng cấp làm cơ sở xây dựng chương trình phát triển đô thị cấp quốc gia trong đó tập trung nâng cao chất lượng đô thị.
Thực trạng phát triển đô thị, hiện đã có nhiều thay đổi, nhiều đô thị phát triển và mở rộng vượt ra ngòai các dự báo về tăng trưởng dân số, nhu cầu sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật và xã hội, trong đó đặc biệt là đề án của tỉnh Thừa Thiên Huế trình Bộ Chính trị về việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 tới năm 2020, với mục tiêu chiến lược về nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc đầu tư cải thiện các dịch vụ, hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội đô thị.
Bộ Xây dựng đã thực hiện công tác phân loại đô thị trong đó có 3 đô thị từ loại II lên loại I, 4 đô thị từ loại III lên loại II, 05 đô thị từ loại IV lên loại III và 3 đô thị từ loại V lên loại IV. Tính đến tháng 6/2009, tổng số đô thị trên tòan quốc là 725 đô thị bao gồm đô thị loại đặc biệt là 02 đô thị, loại I là 07 đô thị, loại II là 14 đô thị, loại III là 45 đô thị và 38 đô thị loại IV, 646 đô thị loại V.
Bên canh đó, chính phủ đã ban hành nghị định về phân loại đô thị và phê duyệt định hướng tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2050.
Trong đó, từng bước xây dựng hòan chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.
D.K