Trong suy nghĩ của nhiều người, nhà chung cư có diện tích nhỏ dễ bị biến thành khu ổ chuột trên cao. Thực tế, có thể thu xếp để nhà nhỏ nhưng vẫn văn minh, thoáng đãng, sạch đẹp như căn hộ cao cấp.
Theo một số thông tin và khảo sát tại Tp.HCM: Trong giới trẻ tuổi 18 – 30 thì dưới 20% người gốc Sài Gòn có sở hữu nhà ở, phần đông sống chung với gia đình; còn hơn 90% giới trẻ nhập cư phải ở trọ, điều kiện nhà ở kém vệ sinh, thiếu tiện nghi, không đảm bảo về an ninh.
Trên 30% hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m2, và chỉ có 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố. Hàng trăm ngàn hộ sống trong điều kiện không bảo đảm tiêu chuẩn ở tối thiểu, họ ước muốn có một mái ấm để an cư, lạc nghiệp, đó là nguyện vọng chính đáng.
Ở Hà Nội, vấn đề nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp còn có phần bức xúc hơn. Sự thiếu hụt nhà ở rất nghiêm trọng như trên đã làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển của quốc gia.
Vậy làm sao đây để người thu nhập thấp nhanh chóng có nhà ở?
Diện mạo nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội nên nằm ở vị trí ven thành phố, quy hoạch thành từng cụm dân cư rộng từ 10 – 100 ha, có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội (như cư xá Thanh Đa – Bình Thạnh). Nguồn tiền đầu tư có thể từ xổ số kiến thiết, hóa giá nhà bán khu đất vàng ở trung tâm…
Để tạo điều kiện cho phát triển nhà ở xã hội, ngòai việc hỗ trợ các chủ đầu tư bồi thường đất nhanh chóng và hợp lý; còn điều quan trọng là các chỉ tiêu về quy hoạch- kiến trúc như: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, nhất là mật độ dân cư phải tăng lên 20-50% so với các dự án nhà ở khác. Người thu nhập thấp dĩ nhiên cần chấp nhận một số tiện nghi thấp hơn nhà ở cao cấp, nhưng dù sao vẫn tốt hơn rất nhiều và ổn định hơn thuê nhà trọ tư nhân hiện nay.
Nên bỏ quy định tối đa 6 tầng của nhà ở xã hội như trong Luật Nhà ở hiện nay. Nên bỏ loại chung cư 5 – 6 tầng vì đây là loại chung cư mở, không được quản lý nên dễ xuống cấp về kỹ thuật và xã hội, không phù hợp với lối sống hiện đại văn minh mà chúng ta đang hướng tới. Nhà ở xã hội nên trên 15 tầng.
Ngoài ra, quy định cứng nhắc: cứ căn hộ 4 người cần có diện tích lớn hơn 45m2 là yếu tố góp phần kìm hãm thị trường căn hộ. Nên đa dạng hóa căn hộ từ 1 – 2 – 4 người với diện tích 20m2 – 30m2 đến 70m2 cho nhiều đối tượng có hòan cảnh khác nhau. Trong suy nghĩ của không ít người, có cả những nhà quản lý, nhà chung cư có diện tích nhỏ dễ bị biến thành khu ổ chuột trên cao. Thực tế, có thể thu xếp để nhà nhỏ nhưng vẫn văn minh, thoáng đãng, sạch đẹp như căn hộ cao cấp. Quan trọng là chất lượng thiết kế, thi công và chế độ quản lý chung cư của chủ đầu tư tốt. Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Pháp, Mỹ vẫn có căn hộ chừng 20m2 đó thôi. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam cũng đồng tình rằng “căn hộ diện tích nhỏ nhưng bố trí hợp lý và quản lý tốt thì điều kiện sống và cách sống sẽ văn minh hơn, khác với những căn nhà người dân tự xây nhếch nhác trong đô thị. Đây là thị trường rất rộng cho doanh nghiệp, đồng thời phục vụ cho nhu cầu xã hội. Điều này Nhà nước lợi, doanh nghiệp lợi, dân lợi”.
Nhà ở xã hội nên có 2 loại: nhà ở xã hội Nhà nước và nhà ở xã hội thương mại. Nhà ở xã hội Nhà nước do Nhà nước tạo quỹ đất sạch, duyệt các thủ tục quy hoạch, kiến trúc và đấu thầu để chọn doanh nghiệp giao lại cho Nhà nước nhiều căn hộ nhất. Loại nhà này không có tiền đất và các loại thuế nên giá từ 8-10 triệu đồng/m2. Nhà ở xã hội thương mại là do chủ đầu tư tự đầu tư, bán cho mọi người theo thỏa thuận với giá từ 12-15 triệu đồng/m2 (nếu được các ưu đãi thì có thể giảm hơn).
Cần thiết đẩy mạnh việc đa dạng và xã hội hóa nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chủ đầu tư tham gia, tạo nhiều con sông đổ về biển lớn nhà ở xã hội.
Để giải bài toán về nhà ở, không thể “trưng mua” 20% số căn hộ của dự án hay “thúc ép” chủ đầu tư hoặc trông chờ vào lòng nhiệt tình của chủ đầu tư, mà cần có sự phối hợp và nhận lấy trách nhiệm của Nhà nước – chủ đầu tư – người dân.
Trách nhiệm Nhà nước
Thời gian qua, những quyết sách về chăm lo nhà ở cho người thu nhập trung bình, thu nhập chưa được quan tâm đúng tầm. Thực tế, qua 3 năm kể từ khi Luật Nhà ở quy định về nhà ở xã hội ra đời, chưa có mấy dự án khởi công, chỉ có một số ít đang dở dang khâu bồi thường.
Nếu không có những giải pháp hữu hiệu, 3 năm nữa cũng chưa chắc có được bao nhiêu căn nhà ở xã hội. Do vậy, cần phải quyết tâm tổ chức thực hiện chương trình nhà ở xã hội, quy trách nhiệm cụ thể cho các nhà lãnh đạo chính quyền các cấp để làm sao trong 2, 3 năm nữa sẽ có những căn nhà ở xã hội đầu tiên. Làm sao để trong 20, 30 năm nữa, hầu hết người dân đều có chỗ ở đầy đủ tiện ích, khang trang, văn minh... đó cũng là mong mỏi chung của mọi người.
Cần có một Ủy ban Quốc gia phát triển nhà ở trực thuộc Chính phủ, nghiên cứu điều tra xã hội học về nhu cầu nhà ở xã hội, từ đó đề ra những chiến lược chỉ tiêu, biện pháp thực hiện một cách khả thi thực tế và bền vững. Ủy ban này có thẩm quyền nhanh chóng bãi bỏ những thủ tục rườm rà, để thủ tục đầu tư chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm. Cần thành lập Tổng cục phát triển nhà, là đơn vị có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu của Ủy ban Quốc gia phát triển nhà ở. Trước mắt, Tổng cục điều hành các dự án, không giao về cho địa phương.
Thủ tục hành chính phải tinh giản tối đa, chứ như hiện nay, một dự án phải trải qua 33 thủ tục, trong thời gian nhanh nhất cũng phải 3 năm trời, gây bao khó khăn cho chủ đầu tư. Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức họp cải cách nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có “cách” nào để giảm thủ tục. Thủ tục rườm rà cũng chính là nguyên nhân gây khan hiếm căn hộ và đẩy giá thành lên cao.
Năng lực của chủ đầu tư
Hiện nay, các cơ quan thông tấn bắt đầu nói đến “cuộc cách mạng nhà giá thấp”. Như cơn gió đổi chiều: Trước đây chủ đầu tư hãnh diện khi xây dựng nhà ở cao giá thì hiện nay chủ đầu tư rất tự hào khi xây dựng nhà ở giá thấp, diện tích nhỏ. Đã có một số tín hiệu đáng mừng. Thứ nhất, nhiều chủ đầu tư đã thực sự quan tâm đến nhà giá thấp, như Tổng Công ty Vinaconex, Tổng Công ty Viglacera, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị ( HUD), công ty địa ốc Hòa Bình. Thứ hai là lần đầu tiên, có một nhà khoa học nói về giá nhà ở. Tiến sĩ khoa học- kỹ thuật Nguyễn Trường Tiến cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để đưa giá một căn hộ xuống mức rất thấp. Mọi người sẽ không tưởng tượng được là nó thấp đến mức nào đâu. Đây có thể là một cuộc cách mạng về xây dựng và nhà ở”.
Việc cho ra đời những căn hộ giá rẻ, chất lượng tốt, thời gian thi công nhanh, tiện ích nhiều, người mua có cuộc sống chất lượng cao bằng số tiền nhỏ là cả một sự thách thức và thi đua cạnh tranh. Nhà ở giá thấp, diện tích nhỏ xây dựng khó gấp hai, ba lần nhà diện tích lớn, giá cao. Do đó, những ai xây được nhà giá thấp mà chất lượng tốt thì xứng đáng được vinh danh.
Nhà giá thấp không chỉ “ ích nước, lợi dân” mà còn mang lại một cuộc thi đua trong đổi mới khoa học kỹ thuật cho ngành xây dựng. “Cuộc cách mạng” về nhà giá thấp buộc chủ đầu tư phải đứng trước những thách thức trí tuệ, từ khâu thiết kế, thi công đến quản lý tài chính để khi xây dựng phải đảm bảo tính đúng tính đủ (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí đền bù giải tỏa mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng…).
Chất lượng thi công phải tốt, không nứt tường sàn, không bị thấm nhà vệ sinh, ban công. Các tiện tích công cộng phải đầy đủ như nhà xe, tầng hầm, công viên cây xanh, nhà trẻ… Nếu không đảm bảo đủ các yếu tố này thì nhà ở giá thấp sẽ thất bại. Vì thế chủ đầu tư không chỉ dựa vào tài chính, cơ sở vật chất mà cần phải tăng cường công nghệ tức là trí tuệ (1 người tính bằng 9 người làm). Sự phát triển nào có nhiều yếu tố con người, càng nhiều trí tuệ thì đó là sự phát triển bền vững, hiệu quả và nhân văn.
Người dân cũng phải sẵn sàng
Cuối cùng là về phía người dân, để lo chỗ ở cho mình, phải biết tiết kiệm để có tiền đóng trước 20-30% và trả góp hằng tháng. Sự chịu khó trong một thời gian, từ 5 đến 10 năm sẽ giúp họ có được căn hộ như nguyện vọng.
(Theo VOV)