Dự thảo Quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM – dự kiến áp dụng từ ngày 1.9.2010 – đã được uỷ ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM đưa ra lấy ý kiến các đại biểu ngày 30.3.
Tuy dự thảo có nhiều điểm mới nhưng các đại biểu cho rằng chưa đủ để đảm bảo quyền lợi cho dân, nhất là những trường hợp thu hồi đất để phục vụ mục đích kinh doanh.
Ông Phạm Công Thành, chủ tịch uỷ ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) quận Thủ Đức đề nghị dự thảo nên quy định tất cả các dự án phải tái định cư cho dân xong rồi mới tiến hành giải toả thu hồi đất. Như vậy vừa giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời tránh tình trạng dự án kéo dài khi người dân kiện cáo nơi ở tái định cư. Đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa thì cho rằng, dự thảo vẫn chưa làm nổi bật được vấn đề Nhà nước phải có trách nhiệm lo nhà tái định cư cho dân chứ không phải làm theo kiểu ban ơn!
Chưa tái định cư đã cưỡng chế thu hồi đất
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch uỷ ban MTTQ thành phố thẳng thắn: dự thảo nên làm rõ khái niệm bồi thường theo giá thị trường là bồi thường như thế nào, trường hợp nào? Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ là tốt hơn cái gì? Bởi luật đã quy định như vậy, nhưng hầu hết các dự án đã triển khai và đang triển khai chưa có dự án nào làm được việc này. Dân đi kiện cáo cũng chỉ vì giá bồi thường rẻ mạt. Chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có phương án tái định cư đã vội vàng cưỡng chế thu hồi đất của dân thì làm sao dân không bức xúc.
Theo ông Đằng, rõ ràng là nên quy định tái định cư rồi mới giải toả nhưng tái định cư cũng phải có hạ tầng hoàn chỉnh. Dự thảo cũng nên quy định rõ trách nhiệm của chính quyền là phải lo tái định cư cho dân. Những dự án chủ đầu tư thu hồi đất để kinh doanh thì phải ràng buộc rõ chủ đầu tư sẽ đứng ra bồi thường cho dân, không thể để ban bồi thường của các quận huyện đứng ra thu hồi đất với một mức giá bồi thường o ép người dân.
Có ai vui khi đến nơi ở mới?
Ông Đinh Phong đặt câu hỏi: chúng ta cứ nói là vì dân, đảm bảo quyền cho dân nhưng thử điểm lại đã có dự án nào khi thu hồi đất mà dân hoan hô chưa? Đã có dự án nào dân vui mừng khi đến nơi ở mới chưa? Chắc chắn là chưa có mà ngược lại: cứ bị giải toả là dân lâm vào tình trạng khốn khổ, khó khăn, kiện cáo. Vậy chúng ta chăm lo là chăm lo cho dân cái gì?
Luật sư Trương Thị Hoà góp ý dự thảo không nên bó hẹp quyền lợi tái định cư của dân. Không nên quy định phải có tối thiểu 30 hay 40m2 mới được tái định cư. Có những trường hợp diện tích đất thực tế là 50m2 nhưng trên sổ sách giấy tờ chỉ thể hiện 25m2. Nếu cứ rập khuôn thì người thiệt nhất vẫn là dân.
Ông Phạm Văn Hải, phó chủ tịch uỷ ban MTTQ thành phố cho biết sẽ có văn bản kiến nghị UBND thành phố đăng tải nguyên văn dự thảo lên mạng, lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể đóng góp ý kiến.
Diện tích căn hộ tái định cư tối thiểu là 30m2
Ông Tạ Quang Vinh, phó giám đốc sở Tài chính – đại diện cho cơ quan soạn thảo quyết định cho biết, nghị định của Chính phủ quy định đối với hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận được đất ở, nhà ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền tương đương với khoản tiền chênh lệch đó. Để thực hiện được quy định này, dự thảo đề nghị chỉ tính phần tiền hỗ trợ đối với trường hợp đủ điều kiện tái định cư. Diện tích suất tái định cư tối thiểu để tính hỗ trợ được đề nghị là: chung cư là 30m2/hộ; nền đất là 40m2/hộ. Phần chênh lệch lớn hơn nếu có người dân phải thanh toán tiền theo quy định. Dự thảo cũng đề xuất quy định mức hỗ trợ tự lo nơi tái định cư tính bằng chi phí đầu tư hạ tầng/m2 do bộ Xây dựng công bố; diện tích để tính hỗ trợ là diện tích đất ở thực tế bị thu hồi nhưng không quá hạn mức giao đất. Đối với đất ở không đủ điều kiện được bồi thường, nếu người bị thu hồi không đủ khả năng mua nhà ở, đất ở tái định cư (theo giá thị trường) thì tuỳ theo quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố sẽ được xem xét giải quyết cho thuê, mua. |
(Theo SGTT)