Không có hệ thống kênh rạch chằng chịt như ở miền sông nước Nam bộ, cũng chẳng phải khu vực ngoại thành ngập úng do sông hồ, song ở giữa thủ đô Hà Nội đang tồn tại hàng chục cây cầu khỉ với đủ hình thù, kích thước, chất liệu.
Người tham gia lưu thông trên tuyến phố thí điểm giao thông đô thị Chùa Bộc - Thái Hà đã quá quen với hình ảnh những cây cầu khỉ bắc qua đoạn mương chạy song song ngay bên hè từ phố Thái Hà đến ngã ba Láng Hạ. Chỉ một đoạn mương chưa đầy 500 m đã có hàng chục chiếc cầu khỉ tự phát đua nhau hướng ra tuyến phố văn minh đô thị. Trung tâm chiếu phim quốc gia hoành tráng ngay ngã tư đường trông thật “nghịch” mắt với “hình nền” của nó là những chiếc cầu nhếch nhác, chênh vênh.
Vì là cầu tự phát nên chẳng cái nào giống cái nào. Cầu được thiết kế với mục đích kinh doanh hay được chung tiền xây dựng thì trông khá hơn hẳn. Loại cầu này làm bằng sắt, có tay vịn hai bên, mặt cầu lát gỗ và rộng hơn 1m. Cầu “bình dân” hơn thì làm bằng vài cái cọc tre, gỗ vá víu ghép tạm, thậm chí có cây cầu được ghép bằng vài cái ống nước rộng chỉ độ 50cm. Những cây cầu này hầu hết đều không có lan can.
Chị Thủy, chủ nhân cây cầu trông khá tạm bợ, cho biết: “Tôi mới chuyển đến đây, cây cầu trước cửa nhà đã có sẵn. Khu này trước đây là bãi rác nay đã bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa san sát. Vì là đất “nhảy dù” không có lối đi nên mạnh ai nấy bung ra làm cầu, vừa có lối đi lại tiện ra ngay phố lớn, thuận lợi đủ đường”.
Cả một đoạn mương ngắn ngay gần trụ sở Công an phường Trung Liệt liên tiếp 5 chiếc cầu đều không có lan can, chỉ là vài miếng gỗ ghép lại vắt ngang qua mương, có cái rộng chỉ gần 50 cm. Chị Hoa, người đã sử dụng cây cầu này 5 năm, cho biết: “Vì là tạm bợ nên cũng không muốn đầu tư nhiều, cầu kiên cố phải mất dăm bảy triệu. Cầu thế này cũng khá nguy hiểm, trẻ con đi lại những hôm mưa gió hay mất điện nhiều đứa đã ngã xuống mương, người yếu bóng vía chẳng dám đi xe qua cầu phải xuống dắt bộ, nhưng bọn tôi thì quen rồi”.
Không phải đất lấn chiếm song các hộ gia đình sống bên kênh Hào Nam, đoạn từ tập thể Hào Nam cắt đường La Thành cũng phải chịu cảnh tự làm cầu khỉ để lưu thông. Ông Trung Dũng, tổ 4A phường Trung Liệt, nói: “Trước đây khu này có một con ngõ làm lối đi chung, từ khi con ngõ bị các hộ liền kề lấn chiếm hẹp dần thì các hộ bên bờ kênh tự làm cho mình một cây cầu bắc qua kênh để lấy chỗ đi lại”.
Tiếp tục tồn tại
Ông Dũng cho hay việc tự bắc cầu không ai muốn vì tốn kém và đi lại cũng không đảm bảo an toàn, nhưng không làm thì cũng không còn lối đi nào nữa nên các hộ đành phải tự làm. Bà Mai Liên, nhà ở Thái Hà, cho biết: “Một vài hộ chung tiền nhau để dựng cầu, nhiều tiền thì cầu lớn, ít thì cầu nhỏ. Nhưng trước khi dựng cầu đều phải có sự đồng ý của công an phường sở tại”. Còn theo anh Thành Trung, ngõ 35 Cát Linh: “Những cây cầu ở đây có từ trước nhưng rất thô sơ, nay vài ba hộ chung tiền làm lại để đi lại thuận tiện hơn. Cầu này là có từ trước, nay chúng tôi chỉ tu bổ, nâng cấp để việc đi lại thuận tiện và an toàn hơn nên cũng không cần phải xin phép và cũng không ai hỏi đến”.
Cách đây vài năm, thành phố đã có chủ trương cải tạo, mở rộng kênh Hào Nam, cơ quan chức năng cũng đã đến khảo sát, đo đạc nhưng đến nay vẫn chưa có biến chuyển gì. Kênh, mương ngày càng bị thu hẹp lại và nhếch nhác, bẩn thỉu. Không chỉ nhếch nhác, lộn xộn mà những cây cầu này còn khá nguy hiểm, nhiều hộ dân ở đây thừa nhận đã có không ít vụ tai nạn xảy ra với người qua lại những cây cầu tạm bợ này. Nhiều người phải chọn giải pháp an toàn là gửi xe bên kia cầu và đi bộ sang.
Ông Vũ Từ Vinh, Phó chủ tịch UBND phường Trung Liệt, giải thích: “Trên địa bàn phường hiện tồn tại 26 cây cầu khỉ tự phát dọc theo tuyến Thái Hà, Hoàng Cầu - Thái Thịnh, từ những năm 1998- 2001. Việc tự ý bắc những cây cầu này là hoàn toàn không được phép. Tuy nhiên, khi đó đơn vị chủ quản lòng mương, bờ mương là Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã thiếu kiên quyết khi xử lý nên phường chỉ là đơn vị phối hợp cũng không thể kiên quyết phá bỏ được”.
Cũng theo ông Vinh, chính quyền phường đã tính đến phương án cưỡng chế phá bỏ song do những tuyến mương này nằm trong dự án mở đường Cát Linh - La Thành và sẽ cống hóa nên không cưỡng chế để tránh người dân bức xúc, khiếu kiện không đáng có.
(Theo Tuổi Trẻ)