“Xét tổng thể, tiến độ triển khai các công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ước 6 tháng đầu năm 2009 có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với tiến độ được duyệt, nhiều công trình bị chậm từ một đến vài tháng” - nhận định mới nhất của lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội.
Báo cáo UBND TP Hà Nội trung tuần tháng 6/2009, Sở KH&ĐT cho biết 6 tháng đầu năm mới hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 3/8 công trình với 5/13 hạng mục so với mục tiêu tiến độ đề ra. Song song đó, 6/11 công trình với 14/21 hạng mục mới hoàn thành các thủ tục và điều kiện để khởi công xây dựng.
Bán nhà kinh doanh cho dân diện di dời
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Thị Bài, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai các dự án “nghìn năm” là do vướng mắc đền bù GPMB. Hầu hết dự án khi tổ chức GPMB đều bị các hộ dân diện di dời khiếu nại về chính sách đền bù, yếu tố quy hoạch…
Những dự án hiện đang “vướng” GPMB nhất gồm: đường Đội Cấn - Hồ Tây (đoạn Văn Cao - Hồ Tây); đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (đoạn nối đường 32 với Hoàng Quốc Việt); vành đai III giai đoạn 1 (đoạn Pháp Vân - Mai Dịch); khu đô thị mới Tây Hồ Tây…
Để nhanh chóng tháo gỡ, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết đã đề nghị UBND TP chỉ đạo người đứng đầu (Bí thư, Chủ tịch) và cả hệ thống chính trị của các quận, huyện, thị xã tập trung quyết liệt trong công tác GPMB. Người dân cần được vận động, tuyên truyền để đồng thuận, hợp tác hơn trong di dời, tái định cư, bàn giao mặt bằng để triển khai các công trình theo quy hoạch, dự án đã duyệt.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng và các quận, huyện cũng cần chuẩn bị tốt “điểm đến” (đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội) cho người dân phải di dời, như: chất lượng nhà tái định cư, điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, trường học, chợ…
“Hiện nay, do có sự khác biệt về chất lượng xây dựng, điều kiện cơ sở hạ tầng giữa các khu nhà tái định cư và nhà ở kinh doanh bán trên thị trường nên chưa tạo được sự đồng thuận về “nơi đến” của người dân thuộc diện di dời” - lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận định, đồng thời kiến nghị Thành phố thí điểm lấy một phần quỹ nhà ở kinh doanh của các doanh nghiệp trước nay được bán theo địa chỉ các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức (được UBND TP phê duyệt) để bán cho các hộ dân tái định cư, phục vụ GPMB.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm đôn đốc các quận, huyện triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Được biết, đến hết tháng 5/2009, Sở này chưa giải ngân được từ nguồn quỹ Thành phố đã bố trí 50 tỷ đồng.
“Xử” người đứng đầu đơn vị nhận “công trình nghìn năm”
Một nguyên nhân chậm trễ nữa, theo Sở KH&ĐT Hà Nội - là do năng lực, trách nhiệm triển khai nhiệm vụ Thành phố giao thực hiện các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long của một số chủ đầu tư hiện chưa đáp ứng yêu cầu.
“Chẳng hạn như trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành Cổ Hà Nội, mặc dù Sở KH&ĐT đã ra văn bản đôn đốc nhưng bước vào trung tuần tháng 6/2009 vẫn chưa trình phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư 3 dự án thành phần của công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu thành này” - Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bài nhận xét.
Để khắc phục, Sở này khẳng định người đứng đầu cơ quan chủ đầu tư dự án cần tập trung chỉ đạo, kiểm soát chất lượng, tiến độ triển khai nhiệm vụ của các Ban quản lý. Các cán bộ yếu năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm cần được kiên quyết điều chuyển, thay thế.
Sở KH&ĐT đồng thời đề nghị UBND TP xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư trong trường hợp thiếu trách nhiệm, không tập trung chỉ đạo triển khai nhiệm vụ được giao, dẫn đến chậm tiến độ các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long mà đặc biệt là nhóm 35 công trình cần hoàn thành đón Đại lễ.
(Theo CAND)