Không đủ điều kiện đã đưa dân vào ở
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP. HN vừa công bố danh sách 38 công trình nhà ở cao tầng trên địa bàn không đảm bảo điều kiện PCCC. Theo đó, đây là những công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về PCCC đã được Cơ quan Cảnh sát PCCC kiến nghị, công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.
Trên thực tế, nhiều công trình dù đã bị lập biên bản hành chính xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn “nhờn luật” chấp nhận chịu phạt để tồn tại. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, do mức độ đời sống của người dân Việt Nam quá thiếu thốn về nhà cửa nên khi có căn nhà mới được hoàn thiện là họ muốn vào ở ngay. Họ có thể biết hệ thống này, hệ thống kia chưa hoàn thiện nhưng có thể tặc lưỡi cứ vào ở trước.
Công trình xây dựng ngay trong thiết kế ban đầu khi thiết kế được duyệt trong đó có cả hệ thống PCCC. Đó là tính an toàn phải đảm bảo cho người dân. Và ngay cả trong tất cả chi phí bán nhà đã tính cả đến việc đảm bảo an toàn về các hệ thống rồi. Về việc PCCC đã có luật PCCC cũng có quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Người nào không thực hiện đúng thì phải chịu trách nhiệm. Không thể để người dân chịu thiệt thòi như vậy được” – ông Hùng nói.
Theo Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thực tế cháy đã xảy ra rồi chứ không phải lý thuyết nữa. “Công bố thì cũng tốt thôi nhưng quan trọng là chúng ta cần phải làm gì?” – ông Liêm đặt vấn đề.
Nhiều đại biểu đặt vấn đề: Có hay không sự thiếu cương quyết
của các cơ quan chức năng đối với chủ đầu tư?
Công bố rồi sao nữa?
Vấn đề về công tác PCCC cũng làm nóng phiên họp HĐND TP. HN sáng 2/8. Nêu lên thực trạng về việc chậm khắc phục việc PCCC tại các công trình nhà cao tầng, nhà tái định cư, trung tâm thương mại, khu công nghiệp… nhiều đại biểu đặt ra vấn đề về trách nhiệm đối với Cảnh sát PCCC TP, Sở Xây dựng cũng như chủ đầu tư. Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Đoàn Thanh Oai) thẳng thắn đặt vấn đề: Có hay không sự thiếu cương quyết của các cơ quan chức năng đối với chủ đầu tư?
Trả lời câu hỏi về việc xử lý tái vi phạm Cảnh sát PCCC TP đã làm hết trách nhiệm chưa, Giám đốc CS PCCC Hà Nội - Thiếu tướng Hoàng Quốc Định thừa nhận là chưa làm hết trách nhiệm. Theo Thiếu tướng Định việc lập biên bản xử phạt có tác động để thúc đẩy chủ đầu tư chấp hành chưa đi đến kết quả. Trong khi đó việc cưỡng chế di dời là một vấn đề không đơn giản.
Trong khi đó theo ông Phạm Sỹ Liêm, vấn đề ở đây là cần phải chỉ rõ vi phạm là gì? Vi phạm về thiết kế hay là vi phạm về mặt vận hành. “Vi phạm về mặt thiết kế thì phải hỏi ai cơ quan nào cấp giấy phép xây dựng bởi vì khi cấp giấy phép xây dựng đã phải kiểm tra có đáp ứng yêu cầu về PCCC hay không. Nếu là vi phạm cái đó thì lỗi không phải chủ đầu tư mà lỗi ở người cho phép. Câu hỏi là tại sao không đúng theo quy định quy chuẩn mà vẫn cho phép?
Thiết kế đúng nhưng quá trình vận hành để xảy ra những sai sót như bình chữa cháy không đủ, có họng chữa cháy nhưng không có đường ống…Những thiếu sót như vậy phải xử phạt chủ đầu tư” – ông Liêm chỉ rõ.
Cũng theo vị Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cơ quan chức năng phải ngăn chặn buộc người ta phải thi hành theo pháp luật và khi đã có vi phạm thì vấn đề là xử phạt và phải gia hạn thời hạn phải khắc phục.
Cảnh sát PCCC TP cho biết, trong thời gian tới đơn vị này sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình nhà cao tầng còn tồn tại vi phạm quy định về PCCC, đồng thời hướng dẫn đơn vị chủ quản khắc phục những nội dung tồn tại, thiếu sót về PCCC, nhằm đảm bảo an toàn về PCCC, tạo tâm lý yên tâm cho người dân sinh sống, làm việc tại các tòa nhà, chung cư cao tầng.