SearchNews

Chuyện ngập ở TP HCM

29/12/2006 09:09

Ngập là chuyện không mới ở TP HCM nhưng sau một thời gian chống ngập, thành phố vẫn còn khoảng 80 điểm ngập trong đó lưu vực Hàng Bàng bị nặng nhất với 28 điểm.

Ngập là chuyện không mới ở TP HCM nhưng sau một thời gian chống ngập, thành phố vẫn còn khoảng 80 điểm ngập trong đó lưu vực Hàng Bàng bị nặng nhất với 28 điểm.

Các khu vực khác cũng thường xuyên bị ngập là lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm: 11 điểm, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè: 10 điểm, lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ: 7 điểm. 24 điểm ngập còn lại nằm rải rác ở khắp các quận, huyện. Vì thế, xung quanh công tác chống ngập vẫn có nhiều chuyện mới.

Khi thành phố chỉ có đê bao và bờ bao

Theo nhiều chuyên gia ở Ban chỉ huy phòng chống lụt bão ở TP HCM thì có tới 3 loại đê ngăn lũ. Loại thứ nhất, chắc chắn nhất gọi là đê, kế là đê bao và loại “yếu ớt” nhất là bờ bao. Tại TP HCM, không có những tuyến đê ngăn lũ vững chắc như ở đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ mà chỉ có đê bao và bờ bao. Việc triều cường tràn vào nhà dân, gây ngập lụt trong những ngày vừa qua là do vỡ bờ bao, hình thức ngăn nước yếu ớt nhất, các khu dân cư nằm gần các sông lớn đang phải gánh nhiệm vụ của đê bao sông. Còn nhiều điều cần bàn đối với nhận định này.

Tuy nhiên, trên thực tế, đúng là bờ bao đang gánh nhiệm vụ của đê bao sông. Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra sự cố vỡ bờ bao gây ngập, ô nhiễm môi trường. Ông Phạm Việt Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP HCM cho biết: "Vấn đề là kinh phí thực hiện và mặt bằng để xây dựng đê bao. Hiện nhiều hành lang an toàn của không ít sông, kênh, rạch của TP bị xâm phạm. Không có hành lang để xây đê bao, mà phải xây đê bao sát bờ sông thì độ bền vững không cao".

Thế nhưng, để khắc phục những nguyên nhân này, nhiều chuyên gia khi được hỏi đã trả lời ngay là không khó bởi xây dựng đê bao không đòi hỏi quá nhiều thời gian và kỹ thuật. Từ hàng nghìn năm trước, chúng ta đã biết xây đê ngăn lũ sông Hồng. Còn hành lang an toàn trên các tuyến sông, kênh, nếu các địa phương xử lý cương quyết các hành vi lấn chiếm thì việc bảo vệ hành lang cũng là việc chẳng khó.

Ngập đợi... dự án

Bến Mễ Cốc 1 và 2 thuộc địa bàn quận 8 là một trong những điểm ngập nặng nhất vì triều cường ở TP HCM suốt gần 20 năm nay. Cứ vào những ngày đầu tháng hoặc ngày rằm là nước từ kênh Đôi - Tẻ, vốn đen ngòm vì ô nhiễm, lại tràn vào nhà dân, gây ngập sâu đến 30 - 40 cm và kéo dài hàng chục giờ.

Tuy nhiên, tình hình này đang dần được cải thiện. Đầu tháng 12 vừa qua, khu quản lý Giao thông Đô thị 1 đã quyết định đầu tư 2,5 tỷ đồng để chống ngập cho khu vực này. Thời gian thi công cho công trình không dài, chỉ khoảng 3 tháng bởi giải pháp kỹ thuật khá đơn giản. Xây dựng bờ bao ngăn nước từ kênh Đôi - Tẻ tràn vào Mễ Cốc; lắp phay ngăn triều ở các tuyến cống thoát nước của khu vực, ngăn không cho nước triều từ kênh tràn vào nhà dân.

Đơn giản, chi phí cũng không cao, thế mà người dân ở đây đã phải đợi đến gần 20 năm. Tất nhiên, ngành chức năng cũng có những lý do. Ông Nguyễn Xuân Bảng, Giám đốc Khu quản lý Giao thông Đô thị 1 cho biết: "Do ở đây đã có một dự án chống ngập nằm trong Dự án Cải thiện Môi trường nước, vay vốn ODA của Nhật có nhiệm vụ cải thiện môi trường cho toàn bộ lưu vực của kênh Đôi - Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé, trong đó có Mễ Cốc 1 và Mễ Cốc 2 nên… phải đợi".

Cuối cùng Khu quản lý Giao thông Đô thị 1 đã nhận thấy, bắt người dân đợi dự án Cải thiện Môi trường nước mà dự kiến đến năm 2008 mới làm (khu vực Mễ Cốc 1 và Mễ Cốc 2) là không hợp lý nên đã quyết định giải quyết ngập cho người dân ở đây.

Tại TP HCM còn bao nhiêu điểm ngập đợi dự án nữa? Chắc chắn không chỉ có Mễ Cốc 1 và 2. Tất nhiên, đầu tư với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, không thể vội vàng song nơi nào tình trạng ngập ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân như ở Mễ Cốc thì không nên bắt người dân đợi.

(Theo SGGP)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu