Theo GS-TSKH Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, nếu không có vai trò của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, làm sao nhà ở có giá thành rẻ được
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay có tâm lý ngao ngán trong dân về việc nhà thu nhập thấp nhưng giá vẫn “trên trời” và ước mơ có mái ấm riêng quá xa vời?
- Ông Nguyễn Trường Tiến: Đúng là như vậy. Với cách làm như hiện nay thì một ngôi nhà riêng mãi mãi chỉ là ước mơ đối với người làm công ăn lương. Để xảy ra những tình cảnh đáng buồn này thì gốc rễ vẫn là vấn đề luật pháp, cơ chế chính sách phát triển nhà ở quốc gia và đây là trách nhiệm của Nhà nước.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên?
- Tôi cho vấn đề mấu chốt là sau một thời gian dài, Việt Nam gần như không có bước tiến nào về khoa học, kỹ thuật và công nghệ về nhà ở, thậm chí còn thụt lùi. Trách nhiệm của thực trạng này trước hết thuộc về Bộ Xây dựng. Chúng ta đang gần như thả nổi vấn đề nhà ở và để toàn bộ gánh lo cho người dân.
Vấn đề phát triển và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ đóng góp gì ở đây, thưa ông?
- Đáng buồn là đến lúc này, tôi chưa thấy một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ nào đánh giá thực trạng về nhà ở hiện nay. Không thấy một tổ chức nào đứng ra chủ trì một chương trình phát triển nhà ở bằng việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, vật liệu và cơ chế chính sách mới. Chiến lược quốc gia về nhà ở hiện nay lại không do các chuyên gia về hoạch định chiến lược thực hiện mà do các cán bộ quản lý Nhà nước làm. Trong khi khoa học, công nghệ phải đi trước một bước để trả lời rõ nhà ở cho đại bộ phận người dân gồm những gì, chất lượng ra sao, giá thành thế nào…
Khu nhà dành cho người thu nhập thấp tại đường Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội
Theo ông mức giá nhà thu nhập thấp ở Việt Nam hiện nay cao hay thấp?
- Hiện giá nhà thu nhập thấp tại Việt Nam đắt hơn các nước ASEAN và Trung Quốc tối thiểu 100%. Giá xây dựng nhà ở tại Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều yếu tố và không thật. Ở Hà Nội nhà ở thu nhập thấp được ra giá 11,6 triệu đồng/m2, tương đương 600 USD, trong khi một tập đoàn của Đức và Malaysia sang Việt Nam chào công nghệ làm nhà 20 tầng hoàn toàn lắp ghép với giá 200 USD/m2 có chất lượng tương đương loại nhà thu nhập thấp mà Việt Nam đang làm. Theo tôi, nhà ở dành cho người thu nhập thấp chỉ 5 triệu đồng/m2 là hợp lý.
Vậy là kỹ sư nước ngoài giỏi hơn Việt Nam?
- Không hoàn toàn như vậy. Nhưng có thực tế đội ngũ thiết kế địa kỹ thuật, nền móng hiện nay có hạn chế nên hệ số an toàn nền móng hiện nay thường đắt gấp 2 lần so với cách đây 20 năm dẫn đến giá thành nhà đắt. Đơn cử là công trình nào cũng áp dụng cọc bê tông khoan nhồi, trong khi cọc bê tông khoan nhồi chỉ áp dụng trong trường hợp cuối cùng vì chi phí cao. Nguyên nhân nữa là do đơn vị tư vấn thiết kế phải cố “thiết kế” ra chi phí cao để được lãnh nhiều tiền vì phí tư vấn thiết kế được tính theo phần trăm giá trị công trình.
Người dân đang rất băn khoăn về việc nhà thu nhập thấp ở Hà Nội đề nghị 11,6 triệu đồng/m2, nhưng Đà Nẵng chỉ có 5,2 triệu đồng, TPHCM chỉ 8,5 -10 triệu đồng?
- Tôi khẳng định mức giá nhà thu nhập thấp ở các địa phương là phải như nhau vì đầu vào là tương đương. Nếu chênh lệch xa như vậy thì phải chăng là kỹ sư ở Đà Nẵng phải giỏi hơn rất nhiều so với kỹ sư TPHCM và Hà Nội. Sự thật đằng sau sự chênh lệch giá này là do Đà Nẵng sử dụng đội ngũ tư vấn thiết kế Singapore và áp dụng công nghệ Malaysia. Chất lượng và giá thành của ngôi nhà phụ thuộc rất lớn vào tư vấn thiết kế, giám sát và công nghệ, vật liệu.
Để giải bài toán nhà ở cho dân, theo ông, Nhà nước cần làm gì?
- Tôi đã đề xuất nhiều lần với cơ quan chức năng là cho thực hiện một chương trình Nhà nước làm nhà ở thí điểm tại 5 địa điểm tiêu biểu trên cả nước, có thể là nhà ở cho công nhân, cho CBCNV, sinh viên... Theo đó, Nhà nước giao đầu bài cho các kỹ sư sáng tạo, ứng dụng làm nhà theo yêu cầu số đông người dân, với một mức giá cụ thể như 8-9 hay 10 triệu đồng/m2, được cấp đất “sạch” và được hội đồng đánh giá chất lượng đánh giá nghiệm thu. Nếu nhà thầu áp dụng khoa học, công nghệ, vật liệu mới và quản lý tốt thì giá thành giảm và có lời nhiều.
(Theo NLĐ)