Giao dịch BĐS thưa thớt vì dịch bệnh
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, diễn biến kinh tế phức tạp và dịch bệnh đang khiến kinh tế Châu Á nói chung rơi vào suy thoái và xuất hiện các rạn nứt. Việt Nam nằm trong số các quốc gia hứng chịu tác động từ dịch , trong đó thị trường bất động sản vốn đang sôi động cũng bị ảnh hưởng với hai phân khúc bị tác động nhiều nhất là bất động sản thương mại và du lịch.
Tâm lý hoang mang của khách du lịch khiến cho hoạt động của ngành dịch vụ lưu trú và bất động sản nghỉ dưỡng thiệt hại nặng. Thống kê từ các công ty lữ hành cho thấy, 70% khách hàng tại Việt Nam đã hủy tour vì e ngại dịch bệnh. Lượng lớn du khách từ Trung Quốc sụt giảm, nhiều du khách từ các châu lục khác hạn chế du lịch châu Á. Tình trạng các khách sạn, khu du lịch vắng khách đã xuất hiện.
Với bất động sản thương mại, giá thuê mặt bằng bán lẻ, văn phòng hay kho xưởng sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung trong ngắn hạn, các chủ đầu tư thương mại sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ cho các khách thuê. Các biện pháp trước đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề bong bóng tài sản có thể được giữ lại và xem xét nếu cần thiết, trong khi những phương án mới cần được đề xuất. Sẽ có một số tác động gây ảnh hưởng dài hơn, làm thay đổi phương thức giao dịch của khách hàng. Đây là điều mà các doanh nghiệp BĐS cần chủ động tính toán trước.
|
Bất động sản thương mại và du lịch là những phân khúc chịu tác động nhiều nhất từ COVID-19. Ảnh minh họa. |
Với BĐS nhà ở, giao dịch thị trường giảm gần 40-50%, các hoạt động mở bán, khởi công bị đình trệ do tâm lý nhà đầu tư. Việc tìm kiếm giao dịch nhà đất trong thời điểm này rất hạn chế.
Theo ông Troy Griffiths, P.TGĐ Savills Việt Nam, nếu sự bùng phát của COVID-19 tương tự như SARS, có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020, làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của thị trường. Về dài hạn thị trường sẽ xuất hiện một số thương vụ bán và chuyển nhượng ở quy mô lớn giữa các chủ đầu tư.
Không quá bi quan
Dù thừa nhận dịch bệnh đang tác động rõ rệt tới thị trường nhưng giới chuyên gia cũng không quá bi quan khi nhìn lại sự bùng nổ của SARS vào năm 2003. SARS là loại virus gần giống với virus Vũ Hán, xuất hiện vào tháng 2/2003, sau đó biến mất vào khoảng tháng 6/tháng 7 cùng năm, khi thời tiết trở nên ấm áp. Nếu sự bùng phát của COVID-19 tương tự như SARS, có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên chủng virus mới này có thể sẽ thoái trào vào những tháng hè khi thời tiết ấm áp hơn, sau đó mọi việc sẽ quay lại nhịp sống bình thường nửa cuối năm và ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng.
Theo ông Troy Griffiths, sự tăng trưởng của ngành bán lẻ và du lịch tại Việt Nam được dự báo sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, ngành sản xuất tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ “Trung Quốc + 1” – chiến lược mà các các doanh nghiệp nước ngoài đang áp dụng để đa dạng hóa cơ sở sản xuất tới các khu vực khác và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, qua đó sẽ tạo đà tăng trưởng cho nhu cầu BĐS công nghiệp tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills cho biết, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được. Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn.
Về lâu dài khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
>> Thị trường đình trệ, M&A bất động sản có thể gia tăng do corona
>> Phân khúc bất động sản nào đang ế ẩm vì dịch Corona?
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/02/28/covid-19-chi-keo-giam-thi-truong-bat-dong-san-trong-ngan-han
Theo Tạp chí Thanh niên