SearchNews

Lực lượng môi giới bất động sản rơi rụng nhiều sau Tết

25/02/2020 18:20

Thị trường khó khăn do dịch bệnh cũng như khan hiếm nguồn hàng khiến lượng lớn môi giới BĐS phải tìm kiếm hướng đi mới. Nhiều sàn cũng có động thái cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.

Dù đã hơn 1 tháng kể từ khi nghỉ Tết âm lịch nhưng anh Sơn, nhân viên kinh doanh một công ty môi giới BĐS vẫn chưa vào Sài Gòn đi làm trở lại. Bên cạnh việc hạn chế di chuyển trong mùa dịch bệnh, nguyên nhân chính khiến môi giới này chưa bắt đầu công việc là do công ty của anh hiện chưa có dự án mới triển khai. Dù rất tích cực xúc tiến tìm kiếm sản phẩm để phân phối nhưng do lượng dự án ra thị trường năm nay dự kiến sẽ không nhiều, thậm chí là các dự án đất nền ở tỉnh có kế hoạch triển khai trước đó cũng chưa thấy động tĩnh mới nên sàn cho nhân viên nghỉ dài hạn đến khi có thông báo mới.

"Đây là tình hình chung của thị trường chứ không chỉ của riêng công ty tôi. Hiện tại để duy trì cuộc sống, tôi đang kiếm thêm bằng việc bán hàng online, nếu tình hình này kéo dài, rất có thể công ty sẽ có đợt sa thải bớt nhân sự. Sale BĐS thu nhập chủ yếu từ bán hàng, lương cứng chỉ mang tính tượng trưng nên khi không có nguồn hàng chào bán, không đợi đến công ty thanh lý hợp đồng, môi giới cũng sẽ tự xin nghỉ sớm để tìm hướng đi khác", anh Sơn chia sẻ.

Cùng tâm trạng như trên, chị Ngọc Phượng, nhân viên kinh doanh thuộc một công ty BĐS tại quận 3 cho biết, từ năm 2015 đến nay đây là thời điểm thị trường khó khăn nhất. "Dù đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với nghề sale bất động sản, nhưng chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như hiện nay. Năm 2019 giao dịch BĐS đã khó, hiện tại càng khó hơn. Gần như sàn không đủ sản phẩm cho sale bán, lương cứng thì ba cọc ba đồng. Vấn đề là không xác định được tình hình có khá khẩm hơn trong quý 2 hay không". Chị Phượng cho biết nếu tình hình không cải thiện, chị có thể phải tạm bỏ nghề để chuyển sang công việc khác.

Hình ảnh rất nhiều khách hàng và môi giới đứng xem sa bàn một dự án bất động sản
Khó khăn trong tìm kiếm nguồn hàng duy trì hoạt động là nguyên nhân khiến nhiều sàn môi giới nhỏ phải cắt giảm nhân sự. Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu thực tế của Batdongsan.com.vn, không chỉ môi giới BĐS chủ động xin nghỉ việc, các sàn giao dịch cũng không còn mặn mà giữ nhân viên hay tuyển mới như các năm trước. Trong bối cảnh không có việc làm, để duy trì nuôi quân không phải chuyện dễ dàng với các sàn nhỏ. Đại diện một công ty môi giới trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức cho biết, nếu kéo dài tình hình này, anh khó lòng nuôi nổi quân và sẽ phải giải thể. 

Được biết sàn giao dịch này có quy mô tầm 30 nhân viên, chủ yếu phân phối các dự án đất nền nhỏ lẻ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Năm 2019 sàn đã rất khó khăn vì TP.HCM khan hiếm đất nền chào bán, công ty phải chuyển về Long An, Đồng Nai tìm nguồn cung nhưng cũng không có nhiều giao dịch. "Năm nay, thị trường mới vào đầu năm đã khó khăn, khách hàng không muốn giao dịch, không có dự án lớn triển khai, dự án nhỏ tầm 20 - 50 nền thì cũng chỉ lác đác triển khai theo hình thức tự làm tự bán. Không đủ chi phí duy trì nhân sự, nên môi giới nào có ý định nghỉ việc thì công ty cũng không giữ lại", đại diện đơn vị này cho biết.  

Cũng trong tình cảnh phải cắt giảm nhân sự, ông Nguyễn Hồng Sơn, quản lý một công ty môi giới trên địa bàn quận 12 chia sẻ, phải cầm cố tài sản trang trải chi phí thuê văn phòng, trả lương nhân viên. Từ thời điểm quý 4/2019, công ty không có sản phẩm cho sale bán hàng. Tuy nhiên do trước đó đã ký với đối tác sẽ phân phối một dự án căn hộ trên địa bàn quận 12 nên anh Sơn vẫn cầm cự nuôi quân. "Hiện tại đối tác thông báo hoãn kế hoạch bán hàng vô thời hạn, tôi chỉ còn cách tạm đóng cửa công ty để giảm bớt gánh nặng chi phí. Với các bạn kinh doanh, đến khi công ty hoạt động lại, ai có nhu cầu quay về thì tôi vẫn chào đón, còn hiện tại thì phải để các bạn tính đường khác", anh Sơn tâm sự. 

Ảnh chụp một đoạn đường với ô tô và môi giới hướng dẫn khách vào xem dự án
Nhiều môi giới BĐS lo lắng tình hình kinh doanh năm 2020 sẽ khó khăn hơn.
 Ảnh minh họa.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2019, có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Nhiều nhân viên môi giới bất động sản phải chuyển nghề vì không có hàng bán, không có thu nhập. Ngay cả những đơn vị phân phối lớn có uy tín, một thời gian dài cũng không có dự án để bán, trong khi phải nuôi hàng chục, hàng trăm nhân viên. Riêng chi phí lương cơ bản mỗi tháng đã lên tới hàng trăm tới cả tỷ đồng, khiến áp lực ngày càng lớn.

Năm 2020 được dự báo sẽ tiếp tục là năm khó khăn của thị trường. Việc ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn xuống còn 40% và sẽ giảm xuống 37%; 34%; 30% theo từng mốc thời gian cụ thể ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp BĐS, nhất là các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phá sản vì suốt thời gian dài không có dự án để làm, gồng gánh các chi phí quá sức. 

Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong năm 2019, toàn thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở và 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư. Phải đến giai đoạn cuối năm nguồn cung BĐS dự kiến mới được khơi thông. Trước tình hình đó, để duy trì hoạt động đến khi thị trường hồi phục, nhiều sàn giao dịch nhỏ sẽ phải tìm cách xoay sở nguồn tài chính để duy trì hoạt động, việc cắt giảm nhân sự sẽ khó tránh khỏi.

>> Nhiều sàn môi giới bất động sản chưa ra quân sau Tết

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu