SearchNews

Cơn sốt đất Bình Ba, đến nhanh đi chóng vánh

18/02/2020 09:46

Chỉ chưa đến 1 tuần, giá nhà đất khu vực Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng nóng cục bộ, gây ra cơn sốt đất chưa từng có rồi nhanh chóng nguội lạnh.

Nhóm đông người tụ tập phía trước một chiếc xe ô tô màu đen trao đổi thông tin mua đất tại Bình Ba
Nhiều người đổ về Bình Ba tìm mua đất, môi giới đẩy giá tạo sốt ảo. Ảnh: Đình Sơn

Bùng phát vì những thông tin trên giấy

Đầu tháng 2, thị trường râm ran thông tin một tập đoàn BĐS lớn đề xuất chính quyền địa phương cho thực hiện một dự án khoảng 800ha tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức. Thời điểm đó, chỉ rải rác một vài người đi hỏi mua đất nhưng trong một tuần trở lại đây, lượng người đổ về tìm mua tăng đến chóng mặt. Dọc tuyến đường Quốc lộ 56, đoạn qua địa phận xã Bình Ba tấp nập kẻ bán người mua đất nền. Nhiều ô tô biển số TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu dừng, đỗ 2 bên đường để tìm mua đất dù thông tin dự án sắp triển khai vẫn còn trên giấy.

Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, những ngày qua, giá đất khu vực xã Bình Ba liên tục nhảy múa trong ngày. Bất chấp các cảnh báo rủi ro đã được cơ quan chức năng địa phương đưa ra ngay sau đó, làn sóng đầu tư đất tại đây vẫn rất sôi động. Đội quân môi giới nhà đất tích cực săn lùng đất ở các khu vực lân cận, khiến giá tăng cao vùn vụt từng ngày. 

Cụ thể, các khu đất trên địa bàn thị trấn Ngãi Giao, giáp đường Mỹ Xuân, tuyến Trần Hưng Đạo hay đất nằm dọc theo Quốc lộ 56 thuộc địa bàn xã Bình Ba nơi được xác định sẽ triển khai dự án đô thị quy mô lớn có giá bán tăng gần 100 - 200% chỉ trong vài ngày. Thời điểm 2019, giá mỗi mét ngang đất thổ vườn nằm dọc quốc lộ 56 chỉ từ 60 - 100 triệu là cao nhất, nay đã được thổi lên 300 - 400 triệu, đất thổ cư thì giá lên tận 500 - 600 triệu/mét ngang. 

Khi liên hệ một số môi giới rao bán đất khu vực Bình Ba, hầu hết đều xác nhận, nên mua nhanh tay vì giá có thể biến động qua từng ngày. Tìm hiểu một lô đất gần 750m2 trên mặt tiền đường 56, dù chỉ có khoảng 180m2 thổ cư nhưng rao bán giá lên đến gần 450 triệu/mét ngang, ngày hôm sau môi giới cho biết đã tăng lên 550 triệu/mét ngang. Được biết trước đó, vào thời điểm tháng 11/2019 khu vực này từng có nhiều lô đất đăng tin rao bán với giá mỗi mét ngang chưa đến 40 - 60 triệu đồng.

Một con đường ở xã Bình Ba, vài người đứng trao đổi, biển rao bán đất treo trên cây.
Dọc các tuyến đường ở xã Bình Ba đều nhộn nhịp người tìm mua đất. Ảnh: Đình Sơn

Lụi tàn nhanh chóng

Trước diễn biến của đợt sốt cục bộ trên, UBND huyện Châu Đức đã có văn bản thông tin cụ thể về dự án, khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, đừng nóng vội, tìm hiểu kỹ tính pháp lý của khu đất khi giao dịch. Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý đất đai và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, UBND huyện đã giao cho UBND các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát việc tự ý tổ chức xây dựng hạ tầng, phân lô, tách thửa, bán nền đất trái phép trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Động thái kịp thời của địa phương đã nhanh chóng đẩy lùi cơn sốt ảo tại Bình Ba. Hiện tại, cơn sốt này bắt đầu nguội lạnh, cảnh tranh mua, tranh bán, xe cộ tấp nập không còn dù đội quân môi giới nhà đất vẫn tích cực hoạt động. Nhiều môi giới không mặn mà chia sẻ về giao dịch hiện tại ở Bình Ba nhưng theo dân đầu tư thì lượng người đổ về Bình Ba hiện nay giảm khoảng 90%. Dân đầu tư lớn gần như sang tay các lô đất ngay trong thời điểm nóng sốt nhất. Trên thị trường hiện chủ yếu là những nhà đầu tư f3, f4, lỡ mua vào mấy ngày gần đây mà chưa sang tay kịp.

Đáng chú ý, dù tình trạng giao dịch diễn ra tấp nập, giá đất tăng phi lý hàng ngày nhưng theo đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Đức, số lượng hồ sơ về chuyển nhượng và các giao dịch về đất đai thực tế mà Văn phòng tiếp nhận giải quyết mấy ngày qua không tăng. Từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ đất đai giải quyết chỉ có 504 hồ sơ, giảm so với cùng kỳ năm trước 21 hồ sơ. Điều đó chứng tỏ hoạt động mua bán phần lớn là sang nhượng giấy tay, lướt sóng nhanh kiếm lời.

4 nguyên nhân khiến cơn sốt cục bộ tại Bình Ba chết yểu:

Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cho rằng, có 4 lý do chính khiến cơn sốt đất Bình Ba nhanh chóng lụi tàn:

Thứ nhất: Thông tin tập đoàn lớn sẽ triển khai dự án lớn, nguyên nhân gây ra cơn sốt đất này lại chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, thông tin trên giấy và chưa có gì rõ ràng nên việc dựa vào đây để thổi giá đất khiến những đợt tăng giá thiếu đi yếu tố bền vững, khó giữ độ nóng lâu và chưa tác động mạnh đến phần lớn nhà đầu tư.

Thứ hai: Đối tượng tham gia giao dịch phần lớn là dân đầu tư từ Sài Gòn, Hà Nội. Đây là đối tượng mua với mục đích chính là sang tay, làm ảo thị trường khiến giá bán tăng. Chính vì vậy, giá đất Bình Ba tăng là tăng ảo chứ không dựa trên các yếu tố bền vững như thay đổi quy hoạch, chuyển biến hạ tầng tổng thể đa chiều với nhiều yếu tố cộng hưởng. Vì vậy tất yếu nó đến nhanh thì đi cũng nhanh.

Thứ ba: Xét về yếu tố địa lý, tính độc đáo, vị trí vàng, hạ tầng… Bình Ba gần như không có lợi thế gì nổi bật. Sức nóng hoàn toàn đến từ việc ăn theo dự án lớn, thiếu yếu tố bền vững giúp tăng giá lâu dài.

Thứ tư: Qua nhiều cơn sốt trước đây, bài học xương máu đã giúp dân đầu tư tỉnh táo hơn, kinh nghiệm hơn với các chiêu bài làm giá, tạo sốt ảo nên không phải nhà đầu tư hay người mua nào cũng liều lĩnh lao vào. Báo chí, chính quyền vào cuộc nhanh, thông tin kịp thời cũng góp phần dập tắt nhanh chóng cơn sốt đất cục bộ này.

"Hiện tại, hệ lụy từ cơn sốt đất sớm nở tối tàn này vẫn chưa thể hiện rõ, nhưng với tình trạng giá đất tăng mạnh, nhiều người liều lĩnh đổ tiền lướt sóng, thậm chí vay vốn nóng đầu tư nhảy cóc theo nhà đất, một khi thị trường bình ổn, nếu không có tài chính trụ vững lâu dài, việc đổ nợ là điều khó tránh", chuyên gia Phan Công Chánh nói. 

>> Xem thêm: Giao dịch giảm, giá nhà đất tại TP.HCM vẫn neo mức cao

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu