SearchNews

Cần thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị mỗi năm

30/11/2020 07:50

Tham dự hội thảo phát triển thị trường bất động sản giai đoạn tới, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, cần tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sáng 27/11 vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cùng Đại học Mở TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội thảo Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng dự báo, nhu cầu về nhà ở trong những năm 2021 - 2030 sẽ tiếp tục tăng lên, nhất là tại khu vực đô thị. Lý do chính dẫn tới việc này là tốc độ gia tăng dân số, xu hướng đô thị hóa, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19 và nhu cầu mua mới, cải tạo nhà ở của người dân.

Đại diện Bộ Xây dựng cho hay, với tỷ lệ dân số đô thị khoảng 40%, dự kiến tăng lên khoảng 45% vào năm 2030, thì mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Tâm điểm của thị trường nhà ở tiếp tục là các thành phố lớn, các khu công nghiệp như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương (khu vực phía Bắc) và TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương (khu vực phía Nam). 

hình ảnh một góc TP.HCM với những tòa nhà chung cư cao tầng xen kẽ khu dân cư thấp tầng, cây xanh, sông nước
Cả nước cần khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị mỗi năm. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố có sức hút dân số cao, cần tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị, sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước, chiếm 75% tăng trưởng không gian đô thị, với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hàng năm.

Nếu xét riêng các phân khúc nhà ở thì chung cư bình dân giá rẻ sẽ là phân khúc chủ đạo, chiếm thị phần lớn nhất. Tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp vẫn tiếp diễn.

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2014 trở về trước, thị trường địa ốc chủ yếu chỉ có sản phẩm nhà ở liền kề và biệt thự quy mô nhỏ. Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm trong giai đoạn 2015 - 2020 đã có nhiều thay đổi, với nhiều xu hướng mới như nhà ở xã hội, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp, trung tâm thương mại, văn phòng... 

Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản những năm 2015 - 2020 chưa thực sự bền vững, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định. Minh chứng là, giá nhà ở đang neo ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, nhất là tại các đô thị lớn. Cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối, có dấu hiệu thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, thiếu sản phẩm quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là loại hình nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê... với giá vừa túi tiền của đại đa số người dân.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đô thị hóa và phát triển đô thị là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình này tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng chưa tương xứng, quá tải hạ tầng, thiếu liên kết...

Theo ông Hiển, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực và tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
 
 

An Thanh

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu