SearchNews

Đà Nẵng nghiêm cấm hành vi rao bán nhà khi chưa đủ điều kiện mở bán

20/11/2018 11:55

Những hành vi rao bán nhà ở hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện mở bán, trái với các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản đều bị TP. Đà Nẵng nghiêm cấm.

Theo yêu cầu của TP, các đơn vị, chủ đầu tư kinh doanh địa ốc, cá nhân có liên quan phải triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9/10/2018.

Các chủ đầu tư cần tuân thủ nghiêm túc cũng như hoàn thành những thủ tục về bán nhà ở hình thành trong tương lai, nghiệm thu trước khi bàn giao nhà. TP. Đà Nẵng nghiêm cấm các tất cả các hành vi rao bán nhà ở hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện mở bán, trái với các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Mặt khác, TP yêu cầu phân định phần sở hữu chung, sở hữu riêng giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư nhằm tránh để xảy ra khiếu kiện, tranh chấp khi đưa công trình vào sử dụng.

nghiêm cấm rao bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện
TP. Đà Nẵng nghiêm cấm các hành vi rao bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện mở bán.

Trong trường hợp bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài, chủ đầu tư cần đảm bảo các thủ tục, giới hạn số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu theo quy định hiện hành.

Cùng với đó, UBND các huyện, quận nơi có nhà chung cư thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương trong việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư của chủ đầu tư cho Ban quản trị; đồng thời chỉ đạo UBND xã, phường nơi có nhà chung cư trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư khi chủ dự án đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư nhưng không đủ số lượng người tham gia hoặc chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư khi đã đủ điều kiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD, Thông tư số 28/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chính quyền địa phương cũng cần kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị theo Quy chế; tiếp tục phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý Nhà nước đối với nhà chung cư; việc theo dõi, kiểm tra, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn cần được thực hiện thường xuyên, phối hợp với Sở Xây dựng giải quyết những trường hợp phức tạp kéo dài; báo cáo UBND TP. Đà Nẵng xin ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định với những trường hợp vượt thẩm quyền.

Tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo luật định.

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng được UBND TP giao trách nhiệm tham mưu UBND TP ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nếu chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015.

Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu