Theo thông tin từ Bộ Giao thông tận tải, Lễ thông xe dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc và gắn biển tên Đại lộ Thăng Long sẽ được tổ chức vào ngày 3/10/2010.
Đại lộ Thăng Long (trục đường Láng - Hòa Lạc trước đây) bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, đi qua qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất đến ngã tư giao với Quốc lộ 21A (km 31 + 64, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh). Với chiều dài 29,264 km, đây sẽ là đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam.
Đại lộ Thăng Long gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe; 2 dải đường đô thị 2 làn xe; dải phân cách giữa; 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè. Hệ thống đèn cao áp gồm 5 hàng chạy dài suốt tuyến.
Trên tuyến đường có 51 cầu vượt sông, vượt nút giao, 3 nút giao liên thông hoàn chỉnh và không hoàn chỉnh. Tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị. Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của thành phố Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.
Đại lộ Thăng Long nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh, đang trong quá trình phát triển như Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giầu tiềm năng như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai… Đặc biệt, tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc, một trong những dự án lớn, có tác động lớn tới kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.
Xét trong mạng lưới giao thông tổng thể, tuyến đường này hòa với các QL6, QL32, QL37, QL2… góp phần hoàn thiện mạng đường xuyên tâm kết nối khu vực Việt Bắc, Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội.
Đại lộ Thăng Long có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội vì đây là con đường nằm ở vị trí đầu mối, nối đường Hồ Chí Minh với địa bàn Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố.
Duy Khánh