SearchNews

Đánh thuế cao, hết ôm biệt thự

15/02/2011 09:00

Thuế nhà đất thấp như hiện nay không thể chống được đầu cơ. Việc không có các thỏa thuận về thời gian đưa vào sử dụng biệt thự là một thiếu sót, một khoảng trống trong quản lý.

Thuế nhà đất thấp như hiện nay không thể chống được đầu cơ. Việc không có các thỏa thuận về thời gian đưa vào sử dụng biệt thự là một thiếu sót, một khoảng trống trong quản lý.

Cần đưa ra thời hạn hoàn thiện

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho rằng rất khó xử lý biệt thự bỏ hoang. Theo ông, mỗi người đều có quyền sở hữu về tài sản, trong đó có quyền định đoạt đối với nhà ở của mình. Khi mua nhà, chủ nhà có quyền ở, không ở hoặc phá đi, không có quy định nào buộc họ phải sử dụng nhà.

“Về nguyên tắc, không thể xâm phạm đến quyền sở hữu của người có tài sản. Cùng lắm chỉ có thể áp dụng biện pháp yêu cầu chủ nhà khắc phục chứ không thể là thu hồi tài sản thuộc quyền sở hữu của họ được” - ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Dân sự, Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế - Bộ Tư pháp, nêu quan điểm.

Biệt thự bỏ hoang hầu hết do đầu cơ. (Ảnh: DK)

Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, cho rằng chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc những người mua hoàn thiện biệt thự. “Thời gian qua, hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và người mua thường chỉ nặng các thỏa thuận về tiền, không có các thỏa thuận về thời gian đưa vào sử dụng biệt thự. Đó là một thiếu sót, một khoảng trống trong quản lý. Tới đây, trong hợp đồng mua bán biệt thự cần đưa ra thời hạn sáu tháng hay một năm chủ hộ phải hoàn thiện công trình để đưa vào sử dụng” - ông Định đưa ra hướng gỡ.

Ông Lê Đình Tri, Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch - Bộ Xây dựng, cũng cho rằng: “Để tránh làm mất mỹ quan đô thị, cần có quy định chủ đầu tư không được chỉ dừng lại ở phần xây thô mà phải hoàn thiện mặt ngoài. Khi đến ở, người chủ mới chỉ cần hoàn thiện bên trong theo sở thích cá nhân”.

Đánh thuế cao để chống đầu cơ

Để “triệt” được biệt thự bỏ hoang nói riêng và nạn đầu cơ nhà đất nói chung, các nhà quản lý và chuyên gia đều cho rằng tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu nhất. “Ở nước ngoài, người ta đánh thuế nhà đất rất cao. Đặc biệt, nhà đất càng không được sử dụng thì càng bị đánh thuế cao. Như vậy người ta không dám đầu cơ nhà đất, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê. Ở ta cũng nên tăng thuế nhà đất vì với nền kinh tế thị trường, mình không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần” - ông Đạm chỉ rõ.

“Cần đánh thuế nhà đất ở mức 2%-3%/năm. Thuế nhà đất như hiện nay chỉ ở mức 0,03%-0,15% giá trị nhà đất thì chả “dọa” được ai, không thể chống được đầu cơ. Cụ thể, với 100 m2 ở một nơi có giá đất cao nhất Hà Nội, chủ nhà cũng chỉ phải đóng thuế 1,5 triệu đồng/năm. Số tiền đó như hạt cát nếu so với lợi nhuận người ta thu được từ đầu cơ nhà đất” - GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh.

Được biết, giải pháp tăng thuế, để chống đầu cơ nhà đất hiện đã được đưa vào dự thảo phát triển nhà ở đến năm 2020 do Bộ Xây dựng soạn thảo và sẽ được trình Chính phủ trong thời gian tới.

(Theo PLTPHCM)

Theo dòng sự kiện:
Hàng trăm biệt thự bỏ hoang (14/02)
Chế tài xử lý biệt thự bỏ hoang
Đánh thuế biệt thự hoang để tránh đầu cơ
Bộ Xây dựng kiểm tra biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội
Sửa sang biệt thự vì sợ bị mua lại
Đánh thuế cao, hết ôm biệt thự

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu