Theo Sở GTVT, ngoài 41 bến xe khách, trên địa bàn Hà Nội còn có 9 bến xe tải, gồm: Gia Thuỵ, Dịch Vọng, Long Biên, Kim Ngưu 1, Kim Ngưu 2, Gia Lâm, Tân Ấp, Đền Lừ 1, Sơn Tây, với tổng diện tích 49.630 m2.
Tuy nhiên, Sở GTVT cho rằng, hầu hết các bến xe này bố trí không theo quy hoạch, hình thành tự phát và chỉ nằm ở các khu vực chợ đầu mối, khu trung chuyển ngoài đường vành đai 3. Chất lượng dịch vụ kém, thường xuyên gây ùn tắc và hiệu quả sử dụng không cao.
Theo kế hoạch, trong tổng số 9 bến xe trên sẽ có 4 bến xe được Sở GTVT chuyển từ bến xe tải thành bãi đỗ xe công cộng, gồm Dịch Vọng (2.981m2), Kim Ngưu 1 (4.599m2), Kim Ngưu 2 (20.000m2), Tân Ấp (2.500m2). Lộ trình mà Sở GTVT đưa ra cho việc chuyển đổi 4 bến xe là 5 năm (từ 2011 đến 2015). Sau khi thực hiện xong, quỹ giao thông tĩnh của thành phố Hà Nội sẽ có thêm hàng nghìn vị trí đỗ phương tiện.
Với 5 bến xe tải còn lại, từ nay đến 2015 Sở GTVT sẽ sắp xếp, tổ chức lại theo nguyên tắc đảm bảo giao thông, mỹ quan đô thị và sẽ loại bỏ hoặc chuyển mục đích sử dụng những bãi đỗ không còn phù hợp. Cùng với đó, từng bước di chuyển một số bến ra ngoài đường vành đai 3 cho phù hợp với quy hoạch.
Về lâu dài, sẽ đề xuất thêm các quỹ đất nằm bên ngoài vành đai 3 để xây dựng thêm một số bến, bãi xe tải mới, thay thế cho các bến xe đã chuyển sang điểm đỗ công cộng.
Sắp xếp, tổ chức lại một số bến xe khách liên tỉnh
Hiện thành phố có 11 bến xe khách liên tỉnh và 30 bến xe nội tỉnh với diện tích khoảng 22,71 ha (chiếm 29,71% quỹ đất giao thông tĩnh).
Ngoài đưa các Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm thành bến xe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế đến từ các nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc; các Bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ được cải tạo thành các bến xe cao tầng.
Sở GTVT cũng sẽ xoá bỏ hoặc chuyển đổi chức năng các bến xe khách nằm sâu trong nội đô như Bến xe Lương Yên, để xây dựng các bến xe đúng tiêu chuẩn của Bộ GTVT bên ngoài vành đai 3.
Cùng với đó, sẽ cải tạo, mở rộng các bến xe nội tỉnh và bến xe khách nằm ở các huyện ngoại thành.
|
(Theo Tiền Phong)