Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu kiến nghị bên cạnh chương trình nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, Nhà nước nên xem xét sử dụng quỹ đất công để xây dựng căn hộ cho thuê giá rẻ.
Tại hội thảo về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra ngày 4/3 ở TP HCM, ông Châu đã trực tiếp trình bày ý tưởng này với các lãnh đạo Bộ Xây dựng.
Theo ông Châu, hiện có những khu đất mặt tiền bị bỏ hoang, kho hàng cỏ mọc um tùm, bến bãi ngập nước. Nếu Nhà nước tập hợp quỹ đất này để xây dựng quỹ căn hộ cho thuê giá rẻ sẽ giải quyết được rất nhiều chỗ ở cho cư dân đô thị.
Ông Châu phân tích, với số dân đô thị xấp xỉ 10 triệu người như TP HCM, nhu cầu thuê nhà để an cư lạc nghiệp của đại bộ phận người lao động tại đô thị này cực kỳ lớn. Thế nhưng, hiện nay, tại TP HCM chỉ có những hộ gia đình cá thể kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún khai thác dưới hình thức nhà trọ. Còn doanh nghiệp bất động sản do không có quỹ đất nên ngần ngại đầu tư xây nhà cho thuê. Trong khi đó, Nhà nước có trong tay quỹ đất công hàng nghìn m2 lại chưa mặn mà khai thác hình thức này.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị, Bộ Xây dựng nên đưa vào chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hình thức Nhà nước hỗ trợ chính sách hoặc đầu tư xây dựng nhà giá rẻ cho thuê. Theo quan điểm của chuyên gia này, xu hướng thuê nhà rất thịnh hành trên thế giới, thậm chí có những gia đình thuê nhà để ở qua nhiều thế hệ. Mặc dù tâm lý của người Việt Nam vẫn chuộng sở hữu nhà, nhưng ông tin rằng, trong tương lai, xu hướng dân đô thị thuê nhà sẽ gia tăng. "Nếu không có số tiền hoặc tài sản lớn để sở hữu nhà đất thì người dân vẫn có thể sử dụng một phần thu nhập thuê căn hộ với giá vừa phải để an cư", ông Châu nói.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực chỉ ra sự lạc quan thái quá về các số liệu về nhà ở. Cụ thể, Bộ Xây dựng đề ra mục tiêu nhà ở đến năm 2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 25 m2 sàn một đầu người. Riêng diện tích nhà ở tối thiểu là 6 m2 trên đầu người. Tuy nhiên, ông Đực ghi nhận được trong năm 2011, tại quận 12, có nhiều người chỉ sinh hoạt trong vỏn vẹn 2 m2 nhà ở.
Vị chuyên gia này cho rằng, sở dĩ chương trình nhà ở xã hội có nhiều đơn vị đăng ký tham gia nhưng con số thực hiện được rất ít là do doanh nghiệp không được Nhà nước hỗ trợ tốt về tục và các chính sách ưu đãi về tài chính. "Với tình hình lương công chức thấp, giá cả leo thang, đại đa số người dân không thể mua nổi nhà. Tôi đề nghị Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ thương mại 20 m2 có giá thành vừa túi tiền để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho người dân", ông Đực nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, chiến lược nhà ở quốc gia nên cân nhắc có quy chế riêng cho TP HCM và Hà Nội vì hai đô thị này có đặc thù riêng biệt. Ngoài ra, nhiều chuyên gia đề xuất, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cần thêm hành lang pháp lý, không nên hồi tố gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Định hướng phát triển nhà ở thời gian tới không chỉ tập trung vào nhà ở thu nhập thấp mà còn tập trung vào phát triển nhà cho thuê. Bộ sẽ ban hành Nghị định về nhà cho thuê kèm theo các chính sách thu hút các nhà đầu tư".
Ông Nam cho hay, Bộ Xây dựng cũng đã báo cáo với Chính Phủ về hình thức mới là sở hữu chung cư có thời hạn nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng hình thức lựa chọn cho người dân và hạ giá thành bất động sản.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng phân tích, thực tế tại Việt Nam cũng đã có sở hữu chung cư có thời hạn, đó là các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài. Thường giá trị đất chiếm rất lớn trong căn nhà, do đó nếu tách phần đất ra để trả tiền thuê ngắn hạn thì giá căn nhà sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh đây không phải là hình thức sở hữu duy nhất. Nếu có tiền, người dân có thể mua nhà chung cư sở hữu lâu dài, còn ít tiền thì mua chung cư sở hữu có thời hạn. Quy định này sẽ không hồi tố đối với những chung cư đã mua bán theo hình thức sở hữu lâu dài.
Ngoài ra, ông Nam cũng đồng tình với kiến nghị của nhiều doanh nghiệp về việc từng bước xây dựng hệ thống tài chính như: Quỹ tiết kiện nhà ở, Quỹ Tín thác bất động sản để hỗ trợ cho người lao động tạo lập nhà.
(Theo Vnexpress)