SearchNews

Đô thị Huế mở rộng có diện mạo như thế nào?

27/09/2019 13:27

Tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện theo định hướng cũng như quy hoạch được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng đề án phát triển, mở rộng đô thị Huế tầm nhìn 2020 - 2030 gồm 2 giai đoạn.

Cụ thể, trong những năm 2020 - 2025, chính quyền địa phương sẽ ưu tiên phát triển, mở rộng đô thị Huế về hướng biển theo trục cảnh quan 2 bên bờ sông Hương. Về quy mô, đô thị Huế mở rộng sẽ bao gồm 5 thị trấn, xã thuộc huyện Phú Vang; 6 xã của thị xã Hương Trà, 2 xã thuộc thị xã Hương Thủy và TP. Huế hiện hữu quy mô 71km2. Trong giai đoạn này, quy mô mở rộng của TP. Huế vào khoảng 270km2.

Trong các năm 2025 - 2030, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ phát triển TP. Huế theo ranh giới đồ án quy hoạch chung, quy mô tầm 348km2. Đô thị trung tâm khi đó gồm khu đô thị mới An Vân Dương và TP. Huế hiện hữu với tổng diện tích 8.200 ha. Ở giai đoạn 2, TP. Huế được ưu tiên phát triển theo trục Bắc - Nam, đồng thời chỉnh trang đô thị tại các khu dân cư hiện nay với 4 đô thị phụ trợ là Bình Điền, Hương Trà, Thuận An, Hương Thủy.

phát triển đô thị Huế
Bản đồ không gian phát triển đô thị Huế (màu vàng) đến năm 2025

TP. Huế là một trong những đô thị có diện tích nhỏ nhất Việt Nam dù được hình thành, phát triển sớm. Ở bờ Bắc sông Hương có Kinh thành Huế quy mô 10km2 gồm 10 phường ngoại thành, 4 phường nội thành, cơ sở hạ tầng không thay đổi trong hàng thập kỷ qua. Trong khi đó, tại phía bờ Nam sông Hương, tuy cơ sở giao thông, hạ tầng có phát triển, hiện đại hơn bờ Bắc nhưng vẫn còn chậm so với nhiều thành phố khác trên toàn quốc.

Hiện tại, TP. Huế là đô thị di sản, bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, nơi đây có mật độ dân số cao, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong khi hạ tầng xã hội khu trung tâm lại quá tải.

Nội dung đồ án quy hoạch nêu rõ, trong tương lai, TP. Huế có đủ địa hình gồm đồng bằng, núi, đầm phá, biển và phát huy thế mạnh về du lịch, dịch vụ sinh thái. Mặt khác, ranh giới các phường, xã điều chỉnh đều tọa lạc theo trục từ thượng nguồn tới hạ nguồn của sông Hương.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, TP. Huế sẽ được xây dựng, phát triển thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc TW theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".

quy hoạch đô thị Huế mở rộng
Hệ thống cây xanh dày đặc là điểm nhấn ấn tượng của TP. Huế hiện hữu.
(Ảnh: Võ Thạnh)

TS. KTS. Trần Đình Hiếu - Trưởng khoa Kiến trúc Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) là người có nhiều năm sinh sống, làm việc tại Huế. Theo ông Hiếu, theo quy luật phát triển, việc mở rộng đô thị Huế là điều bình thường. Tuy nhiên, cần phải phát triển như thế nào để đảm bảo sự bền vững; sử dụng quỹ đất ra sao để giữ được đặc trưng riêng của Huế; tránh phá vỡ di sản hiện hữu, phá vỡ kết cấu tự nhiên của Huế.

Vị này cho rằng, không chỉ xây dựng hệ thống đô thị trung tâm, giao thông, hạ tầng mà Huế cần xây dựng nối kết các đô thị vệ tinh Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An. Đặc biệt, việc đầu tiên cần phải làm ngay là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

mở rộng đô thị Huế
Đô thị Huế sẽ được mở rộng với diện tích gấp 5 lần. (Ảnh: Võ Thạnh)

Theo KTS Trần Đình Hiếu: "Huế là địa phương có nhiều sông ngòi, trung tâm thành phố cũng nằm ở cốt đất rất thấp. Khi đô thị hóa cần tính toán cốt nền sao cho phù hợp, khơi thông sông ngoài để không xảy ra ngập úng như tại các địa phương khác. Hai nữa cần làm tốt quy hoạch sử dụng đất, tránh tình trạng đất đô thị bỏ hoang như các địa phương khi đô thị hóa xảy ra".

Trong khi đó, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Xuân Hoa cho hay, đề án mở rộng đô thị Huế đã có từ lâu, cần sớm công bố, lấy ý kiến góp ý của người dân. Mở rộng TP. Huế là việc cần sớm được triển khai và nên đưa những đô thị di sản ven đô như Thanh Hà, Bao Vinh thành đô thị vệ tinh.

Ông Hoa thông tin, TP. Huế vào thập niên 80 rất rộng lớn với phía Tây kéo dài tận xã Bình Điền, phía Đông lên tới xã Hải Dương (Hương Trà) với 33 xã, phường. Do đó, việc phát triển đô thị Huế với quy mô theo đề án quy hoạch rất phù hợp nhằm tận dụng mọi nguồn lực để phát triển. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng rất hợp lý khi xác định phát triển, xây dựng Huế thành đô thị di sản.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu