SearchNews

Đô thị mới HN nguy cơ sụt lún cao

18/06/2009 11:40

Theo nhiều nhà khoa học địa chất, "nền đất Hà Nội “đỏng đảnh". Một số công trình nghiên cứu cho thấy, mỗi năm, Hà Nội lún ít nhất vài chục mm.

Theo nhiều nhà khoa học địa chất, "nền đất Hà Nội “đỏng đảnh". Một số công trình nghiên cứu cho thấy, mỗi năm, Hà Nội lún ít nhất vài chục mm.

Trong khi đó, các công trình cao tầng đang mọc lên như nấm và không ai dám nói chắc về tính an toàn cho các tòa nhà này.

Mỗi năm lún vài chục mm

Tiến sỹ (TS) Nguyễn Văn Đản, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình cho biết, lún thường liên quan đến vấn đề địa chất, chuyển động của vỏ Trái Đất. Vùng nào có trầm tích trẻ thường có nguy cơ lún. Hà Nội là vùng có nền địa chất được xếp vào nguy cơ sụt lún cao, do nằm trong khu vực đồng bằng, mới hình thành trầm tích ở kỷ Đệ Tứ... Nhận định này của TS Đản cũng được giới khoa học địa chất trong nước ủng hộ.

Bằng chứng là đã có rất nhiều cảnh báo về sự đỏng đảnh của nền đất Hà Nội. Ghi nhận lịch sử mà Giáo sư (GS) Lê Văn Lan cung cấp, theo Đại Việt sử ký toàn thư, biên niên sử năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Ưng Chính Bình, năm thứ 7 (1241): mùa hạ, tháng 4, hạn hán, núi nhiều nơi bị lở, ở Chợ Dừa (Gia Thị), đất toác ra. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển thứ 6, Tân Sửu (1241): mùa hạ, đại hạn, đất nứt ra, núi ở Các Lộ, sụt xuống, đất liền ở phường Thịnh Quang, ngoài kinh thành bị rạn tách ra.

Theo GS Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, tác giả Hà Nội nghìn xưa, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin Hà Nội, 1975, trang 149: một Thăng Long hay bị động đất, nhất là mạn Nam, đất phường Thịnh Quang (Thịnh Hào) có năm nứt toác dài hai dặm; đất Xã Đàn có năm nứt toác, dài 7 thước, rộng 4 tấc, bề sâu khôn lường.

Năm 2007, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội - Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã công bố kết quả quan trắc lún bề mặt đất của Hà Nội. Theo đó, các nhà khoa học của Viện này nhận định: Hà Nội mỗi năm lún vài chục mm là chuyện “bình thường”. Không những vậy, họ còn chỉ ra cụ thể những khu vực được xét vào diện “nhạy cảm” và đưa ra con số sụt lún rất cụ thể: Thành Công là khu vực lún nhanh nhất với 41,42mm mỗi năm, Ngô Sĩ Liên là 31,52mm mỗi năm, Pháp Vân là 22,16 mm mỗi năm.

Kỹ sư Lê Tứ Hải, Liên hiệp Khoa học sản xuất địa chất nước khoáng cũng cho biết, qua nghiên cứu của ông, khu vực và đánh giá có sự sụt lún và ô nhiễm bao trùm một khoảng rộng phía Nam Hà Nội, kéo dài từ Tây Mỗ, Mễ Trì qua Ngã Tư Sở, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, rồi kéo xuống phía Nam qua Pháp Vân, Hạ Đình, Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh.

Các khu đô thị mới cũng đang lún

Tài liệu nghiên cứu về nền đất yếu của Hà Nội do các nhà khoa học thuộc Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình thì khu vực bán đảo Linh Đàm và Thành Công có nguy cơ cao về sụt lún. Ngoài ra, có thể kể ra các khu vực khác như: Ngọc Khánh, Giảng Võ (khu vực xung quanh khu nhà C6 Giảng Võ), Thành Công, Thanh Nhàn (gần bệnh viện Thanh Nhàn)...

Các số liệu trên cũng trùng với cảnh báo của PGS.TS Đỗ Minh Toàn về nguy cơ sụt lún cao của các khu đô thị như Việt Hưng, Mễ Trì, Mỹ Đình. Tuy nhiên, khó có thể đưa ra con số lún cụ thể bởi tùy thuộc vào từng tải trọng công trình các nhà khoa học mới có thể nói chính xác con số này.

Nguyên nhân dẫn đến việc sụt lún, được các nhà khoa học nhận định là do sự khai thác nước dưới đất một cách bừa bãi đã làm rỗng một khoảng trong lòng đất. Qua khảo sát của các nhà khoa học thuộc Khoa Địa chất cũng như của Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình miền Bắc cho thấy, sự trùng về các địa điểm đất yếu do khai thác nước của Hà Nội trên bản đồ địa chất.

Cụ thể: khu vực có tồn tại lớp đất yếu là Pháp Vân (22,16 mm mỗi năm), Ngô Sỹ Liên (31,52mm mỗi năm), Hạ Đình ( 41,42mm mỗi năm)... Khu vực ven sông Hồng có nền đất yếu ít hơn như Lương Yên (18,83 mm/năm), Gia Lâm (10,33 mm/năm)... Khu vực được xem là nền đất “khỏe” hơn cả là: Ngọc Hà, Mai Dịch, Đông Anh, Cổ Nhuế, Nghĩa Đô, Xuân Đình (trị số lún dưới 10 mm mỗi năm).

Với những nền đất yếu, để có những công trình an toàn, PGS.TS Đỗ Minh Tuấn đưa ra lời khuyên: Trước hết, cần phải tìm đến cơ quan chuyên ngành có giấy phép hành nghề, cán bộ thực hiện phải có kinh nghiệm, uy tín. Ví dụ: Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng; Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải, Tổng công ty tư vấn xây dựng Thủy lợi, Tổng công ty tư vấn xây dựng giao thông vận tải, Công ty tư vấn xây dựng điện 1... Sau đó, việc thiết kế công trình cần tính đến các số liệu khảo sát địa chất. Kỹ sư thiết kế nền móng phải thật am hiểu và có kiến thức về địa chất và cuối cùng là tuân thủ nghiêm thiết kế thi công đã được đề ra. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, nhiều công trình xây dựng mọc lên mà không qua khảo sát địa chất, hoặc có rồi bị lờ đi.

Theo kỹ sư Lê Tứ Hải, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học sản xuất địa chất nước khoáng, hiện tại, người ta chỉ thực hiện khảo sát địa chất ở những công trình đơn lẻ, còn tính tổng thể cả một khu các tòa nhà liền kề thì chưa có một nghiên cứu nào cụ thể. Với tốc độ xây dựng nhanh và dày đặc như hiện nay đất Hà Nội sẽ lún nhanh hơn trước.

(Theo Đất Việt)

 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu