SearchNews

Dự án nhà thu nhập thấp cũng cần bố trí nơi để ô tô

09/09/2014 15:47

Sáng ngày 9/9, tại buổi kiểm tra một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Tp.Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các dự án nhà ở xã hội cũng cần chú trọng đến việc xây dựng nơi để xe ô tô cho cư dân của chung cư.

Dự án nhà thu nhập thấp cũng cần bố trí nơi để ô tô
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khảo sát các dự án nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Bên cạnh trường học, nhà trẻ, chủ đầu tư phải tiếp tục cung cấp, đầu tư các dịch vụ thiết yếu của các cư dân khi họ về sinh sống tại các khu nhà ở xã hội”. 

Qua khảo sát, Bộ trưởng đánh giá cao chất lượng và tiến độ của một số dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí đầy đủ các dịch vụ, hạ tầng thiết yếu cho các cư dân khi họ chuyển về sinh sống, trong đó lưu ý cả đến các chỗ để ôtô.

Theo sự phân tích của ông, hiện nay phương tiện đi lại chủ yếu của người dân chủ yếu là xe máy nhưng trong tương lai không xa, những người đang ở trong các nhà thu nhập thấp cũng sẽ có nhu cầu và có khả năng mua và sử dụng ôtô. Do đó, các dự án nhà xã hội nên tính đến việc này.

Trong các đợt thanh tra vừa rồi, Bộ trưởng không chỉ yêu cầu kiểm tra các dự án nhà xã hội về tiến độ, chất lượng mà còn phải kiểm tra kỹ mật độ, không gian và các dịch vụ, chỗ đỗ xe cho các cư dân với mức giá phù hợp với người lao động hiện nay.

Trong khi đó, tại công trường dự án nhà thu nhập thấp Tây Nam Linh Đàm của Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD), ông Dũng yêu cầu chủ đầu tư phải đây nhanh tiến độ vì dự án đã có một thời gian chậm trễ.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu một số doanh nghiệp xây dựng như HUD, Viglacera với tư cách là doanh nghiệp nhà nước phải là trụ cột trong việc phát triển nhà ở xã hội để làm sao người thu nhập thấp, thậm chí những người không có thu nhập vẫn phải có chỗ ở.

Sáng cùng ngày, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 66 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai, với khoảng gần 5.1 triệu m2 sàn xây mới, trong đó có 44 dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội với 37.800 căn hộ, 10 dự án nhà cho sinh viên, 12 dự án nhà cho công nhân.

Mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là xây thêm khoảng 32.000 căn hộ nhà thu nhập thấp.

Tuy nhiên, thực tế, qua kiểm tra các dự án bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là khu vực Hà Tây cũ và huyện Mê Linh sau khi nhập về Hà Nội, hầu hết các chủ đầu tư đều không thực hiện việc dành 20% quỹ đất của dự án để xây nhà xã hội theo quy định.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác sau khi hoàn thành giai đoạn 1 các dự án nhà ở xã hội, lại đang tiếp tục “xin” Hà Nội cấp đất để làm tiếp giai đoạn 2 hoặc dự án tại địa điểm mới khác.

“Dự án Đặng Xá của chúng tôi về cơ bản đã hoàn thành. Tới đây mong thành phố xem xét cấp cho chúng tôi khu đất sau nhà thi đấu Gia Lâm để chúng tôi triển khai tiếp các dự án mới vì hiện nay kinh nghiệm, năng lực đang rất tốt”, Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện nay có đến 90% người dân tại các đô thị không thể tự đủ tiền để mua nhà ở thương mại được. Do đó, với trách nhiệm của mình, Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước phải hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm một chỗ ở tử tế.

“Các doanh nghiệp như Viglacera, HUD… tới đây không cần phải xin thêm đất để làm nhà ở xã hội, mà chúng tôi bắt phải làm thêm các dự án khác, vì các anh là doanh nghiệp Nhà nước”, Bộ trưởng Dũng kết luận.

Xuất phát từ nhu cầu thực của người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Tới đây phải bắt các doanh nghiệp Nhà nước làm thêm nhiều dự án nhà ở xã hội".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu