Sau một năm hợp nhất, những cái được trên địa bàn này đã quá rõ, qua sự tăng trưởng trên các mặt như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Tuy nhiên, điểm nổi bật trong sự phát triển chung đó là sự đầu tư thích đáng trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng đô thị, tạo diện mạo mới cho quận Hà Đông.
Hà Nội đầu tư thích đáng cho quận mới Hà Đông
Điểm lại những cái được sau một năm hợp nhất, ông Phạm Khắc Tuấn, Chủ tịch UBND quận cho biết: Phải nói ngay đến những điểm nổi bật của việc đầu tư các dự án lớn nhỏ. Trong đó, từ đầu năm đến nay, quận đã có 32 công trình được duyệt quyết toán, 44 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 108 công trình đang thi công, 39 công trình đã được phê duyệt đầu tư, 161 công trình đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để trình duyệt. Với sự đầu tư thích đáng như vậy, ở Hà Đông người ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ hơn khi có chủ trương đúng đắn là việc hợp nhất về Hà Nội.
Quận Hà Đông cũng đã tranh thủ sự giúp đỡ, cơ chế mới từ thành phố Hà Nội để hoàn thành thi công các công trình: đường vào Trung tâm TDTT; hạ tầng các khu đấu giá đất Kiến Hưng (Hà Cầu), Phú Lương 1, Man Bồi - Gốc Găng (Phú Lãm), Đồng Dung (Đồng Mai), điện khu Ngô Thì Nhậm, điện khu đấu giá vạn Phúc; hạ tầng khu sản xuất rau an toàn xã Biên Giang; cải tạo trường mầm non Hoa Hồng, trường tiểu học Lê Hồng Phong, Kiến Hưng, hội trường các khối 4, 6, 9,10 phường Nguyễn Trãi; cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng phường Hà Cầu...
Theo báo cáo tại kỳ hợp thứ 12, HĐND quận khóa XVIII, thì từ đầu năm 2009 đến nay đã có 10 dự án được UBND TP Hà Nội cấp phép đầu tư trên địa bàn quận với tổng vốn đầu tư 3.085 tỷ 989 triệu đồng, quy mô diện tích 4,110 ha. Cụ thể: Công ty CP Đầu tư và thương mại FALCON Hà Đông với tổng vốn đầu tư 762 tỷ 919 triệu đồng, quy mô diện tích 0,2821 ha; Công ty TNHH Công nghệ YUDAR, với tổng vốn đầu tư 8 tỷ 250 triệu đồng tại thôn Phượng Bãi xã Biên Giang; Công ty U.R CHEMICAL (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư 22 tỷ 400 triệu đồng tại số 6 đường Ngô Quyền; Công ty cổ phần thể thao Ngọc Xuân với tổng vốn đầu tư 64 tỷ đồng quy mô diện tích 0,2442 ha tại thôn Yên Phúc, phường Phúc La; Công ty TNHH các hệ thống viễn thông VNPT-FUJITSU với tổng vốn đầu tư 69 tỷ đồng, quy mô diện tích 1 ha tại xã Dương Nội...
Vững bước tiến lên
Ông Phạm Khắc Tuấn khẳng định, thời gian tới, Hà Đông sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng dân dụng, thuỷ lợi, hạ tầng kỹthuật… Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ khu Trung tâm hành chính mới, khu đô thị Mỗ Lao, đường Ngô Quyền (GĐ1), trụ sở Quận uỷ - HĐND - UBND quận; hạ tầng khu công viên thể thao cây xanh, đường từ Hà Trì đi Phúc La - Văn Phú; đường 21B đi Cửa Sâu - Phú Lương; đường từ Ao Đình đi Chùa Trắng; dự án phân luồng đường giao thông: nâng cấp đường Lê Lợi; đường đê sông Nhuệ bên phải tuyến từ Sở Nông nghiệp và PTNT đến UBND xã Kiến Hưng. Chuẩn bị đầu tư đường Thanh Bình, đường 19/5, đường Nguyễn Khuyến; Trường THCS Phúc La giai đoạn 2, hạ tầng các khu đấu giá đất: Ngô Thì Nhậm, Kiến Hưng, Vạn Phúc; hạ tầng các khu đất dịch vụ các phường: Hà Cầu, La Khê, Phú La, Mộ Lao, Vạn Phúc.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuộc 5 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, như: Trường học (mầm non, tiểu học và THCS), trạm y tế phường, trụ sở cấp xã, nhà văn hoá các khu dân cư, đường giao thông; hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ trên địa bàn quận. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được phê duyệt dự án năm 2009. Phối hợp với các ngành đẩy nhanh tiến độ thi công: Cầu Đen, Cầu Am, đường trục phát triển phía Bắc, đường Lê Trọng Tấn, trạm điện 110KV Văn Quán - Phúc La, khu nhà ở Văn Khê, khu nhà ở Chuôm Ngô - Bông Đỏ, các khu đô thị mới…
Với sự đầu tư thích đáng của Thành phố cho quận Hà Đông, chắc chắn trong tương lai không xa, quận mới này sẽ là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Và nhìn nhận lạc quan hơn nữa thì nơi đây sẽ là điểm để các quận, huyện khác nhìn vào cùng phát triển các vùng đô thị mới.
(Theo KTĐT)