Thị trấn Kim Hoa được thành lập mới trên cơ sở một phần địa giới hành
chính của xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Nội dung quy hoạch nêu rõ, Kim Hoa là thị trấn sẽ được thành lập mới trên cơ sở một phần địa giới hành chính của xã Kim Hoa (phía Tây đường vành đai 4). Đây là đô thị loại 4 với quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 213,79 ha; dự báo quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 9.870 người; đến năm 2030 khoảng 12.650 người.
Theo quy hoạch, không gian đô thị Thị trấn Kim Hoa được phát triển dựa trên cảnh quan tự nhiên hiện hữu, gồm khu vực làng xóm hiện có và không gian mặt nước của sông Cà Lồ, ngòi Phù Trì. Tổ chức cấu trúc không gian đô thị theo các tuyến trục lõi trung tâm, đường ngang vuông góc với các tuyến giao thông chính đô thị. Những khu vực phát triển mới được bố trí thành các cụm, phần lớn là công trình thấp tầng và trung tầng mật độ thấp, gắn kết chặt chẽ với nhau bằng không gian mặt nước ngòi Phù Trì cùng hệ thống cây xanh dọc hai bên.
Khu trung tâm hành chính - chính trị thị trấn được bố trí xây dựng tại khu vực Tây Nam khu Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao huyện; xây dựng hợp khối, công trình hiện đại gắn kết với quảng trường trung tâm, trục không gian xanh đô thị với hướng mở ra trục cảnh quan văn hóa và nghệ thuật; trong khi đó, Khu trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp là khu vực mua sắm kết hợp với khu ở, văn phòng..., được bố trí hai bên đường chính của thị trấn là điểm nhấn về không gian kiến trúc đô thị tại khu vực cửa ngõ phía Tây Nam của thị trấn.
Khu trung tâm văn hoá, thể dục thể thao huyện bố trí ở khu vực trung tâm của thị trấn, kết nối với khu quảng trường trung tâm và sân vận động, là điểm nhấn về không gian công cộng của thị trấn; nơi diễn ra các hoạt động thể thao, văn hóa của huyện, thị trấn, bao gồm các chức năng như: Trung tâm hội nghị, nhà thi đấu, nhà văn hóa đa năng, rạp chiếu phim, khu sân vận động và tổ hợp các công trình thể dục thể thao...
Điểm nhấn không gian đô thị quan trọng của thị trấn là trục cảnh quan văn hóa nghệ thuật; kết nối giữa không gian hiện có, không gian đô thị mới với khu vực công viên cây xanh mặt nước ngòi Phù Trì; kho tàng, khu vực công nghiệp bố trí phía Tây Bắc thị trấn gắn kết với khu công nghiệp thị xã Phúc Yên.
Trường học được bố trí thành cụm tập trung tại khu vực trung tâm gồm trường Tiểu học, THCS, THPT. Các công trình công cộng đơn vị ở, trường mầm non được bố trí xen kẽ tại trung tâm của các nhóm ở đảm bảo bán kính phục vụ theo quy định; cải tạo khu vực làng xóm cũ theo hướng tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh hạ tầng xã hội, giao thông, giữ được cấu trúc làng xóm cũ với mật độ xây dựng thấp, nhiều sân vườn và hình thức công trình kiến trúc truyền thống. Mặt khác, hình thành các vùng đệm giữa khu vực phát triển đô thị mới cao tầng và khu làng xóm cũ, qua đó tạo sự hài hòa chuyển đổi dần về không gian, giải quyết các vấn đề về kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Công trình di tích đình chùa khác được tôn tạo, quản lý về hình thức kiến trúc, chiều cao khoảng cách công trình xung quanh di tích không làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích…