SearchNews

Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị

10/08/2010 13:33

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị chạy xuyên tâm thành phố. Cụ thể, từ nay đến 2020 sẽ có 77,05 km tuyến đường khổ 1,435m đi trên cao, mặt đất và dưới ngầm được xây dựng.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị chạy xuyên tâm thành phố. Cụ thể, từ nay đến 2020 sẽ có 77,05 km tuyến đường khổ 1,435m đi trên cao, mặt đất và dưới ngầm được xây dựng.

Đặc biệt, mới đây Vinaconex đề xuất xây dựng tuyến đường sắt một ray đang hâm nóng dư luận về phát triển đường sắt đô thị.

Với quyết định ngày 1/8/2008, Thủ đô chính thức được mở rộng địa giới hành chính lên gần 3.345km2, đồng nghĩa với việc xây dựng một đề án quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô thêm đa dạng và rộng hơn.

Bản quy hoạch này đảm bảo tính kế thừa, hiện đại trong tương lai. Theo đó, các tuyến đường sắt Hà Nội sẽ đóng vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng với tốc độ cao và năng lực vận chuyển lớn. Còn đối với các trục chính, sẽ sử dụng loại hình vận chuyển đường sắt nhẹ. Tại các trục nhánh, tùy theo đặc điểm khu vực sẽ áp dụng phương thức vận chuyển khác nhau như mạng lưới xe bus nhanh, xe bus thường, xe điện bánh hơi, xe điện bánh sắt.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Trao đổi với TBKTVN, ông Phan Thanh Bình, Viện chiến lược và phát triển giao thông cho biết, các tuyến đường sắt nội đô sẽ hướng tới giảm thị phần xe máy tham gia giao thông xuống dưới 30%, tăng thị phần người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng đến 35 – 45%. Vì thế, dự kiến đến năm 2020, mạng lưới đường sắt đường sắt đô thị Hà Nội sẽ gồm 5 tuyến với tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên , Như Quỳnh) dài 38,7km; tuyến số 2 (Nội Bài – trung tâm thành phố - Thượng Đình) dài 35,2km; tuyến số 3 (Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai) dài 21km.Tuyến số 4 có dạng vòng tròn, kết nối các tuyến số 1, 2, 3 và tuyến số 5 (Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Đại lộ Thăng Long) dài khoảng 34,5km.

Hiện nay, với đề xuất xây dựng tuyến số 5 theo dạng monorail đang được xem xét thì chúng ta sẽ có những tuyến đường sắt hiện đại phục vụ người dân, ưu điểm của tuyến monorail là chiếm ít diện tích, chi phí thấp, không ảnh hưởng tới môi trường.

Liên quan đến quy hoạch dự án này, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê cho biết, về chủ trương việc xây dựng tuyến đường sắt trên tuyến đại lộ Thăng Long là cần thiết (điều này nằm trong quy hoạch của Hà Nội và trùng với dự án đường sắt đô thị số 5). Tuy nhiên, các tuyến đường sắt đô thị phê duyệt trong quy hoạch đều là đường sắt 2 ray, vì thế khi xây dựng đường sắt 1 ray cần nghiên cứu kỹ để phù hợp với hướng phát triển chung, mang tính lâu dài. Nếu hướng nào khả thi hơn thì nên chấp nhận triển khai sớm.

Còn theo phân tích của TS. Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giao thông vận tải (ĐH GTVT Hà Nội), nhu cầu đi lại trên tuyến đường Láng – Hòa Lạc hiện vào khoảng 60000 – 70000 người/ngày. Vì thế, ông Hùng thừa nhận, xét trên quy hoạch chung thì đường sắt 1 ray ở ngưỡng trung bình, dao động 10 – 40% so với metro, song thời gian xây dựng ngắn, chi phí thấp và với ưu điểm đó, đường sắt 1 ray đang chiếm ưu thế nhưng nó có giải pháp dài hạn nhưng không thì đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ…

Dưới góc độ kỹ thuật, GS TSKH Nguyễn Hữu Hà, Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, trưởng bộ môn Vận tải và kinh tế đường sắt (ĐH GTVT Hà Nội) cho rằng, tàu một ray hoàn toàn có thể phù hợp với giao thông đô thị của Việt Nam. Nó bổ sung cho các loại hình phương tiện thêm đa dạng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa, phù hợp với khả năng tài chính, phù hợp với tính khoa học, với công nghệ mới, đảm bảo tiện nghi, an toàn cho người sử dụng.

Tuy nhiên, loại hình vận tải lần đầu tiên xuất hiện này có được người dân đón nhận hay không vẫn là điều chuyên gia đang lo ngại.

Nói như vậy để hiểu rằng, việc sớm khởi công xây dựng các tuyến đường sắt nội đô trong bối cảnh hiên nay là rất cần thiết. Với tính năng vượt trội, đường sắt có thể mạnh về vận chuyển lớn, vận hành an toàn, và chạy theo đúng lịch trình, đồng thời giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tuy nhiên chọn mô hình xây dựng nào cho hiệu quả, đỡ tốn kém, lại vận dụng được ngồn vốn tư nhân cần đặt trên bàn cân để sớm thực hiện. Còn người dân thì vẫn từng ngày, từng giờ mong muốn được hưởng những tiện ích xã hội mà dự án đem lại.

(Theo TBKTVN)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu