Công tác diễn tập xử lý cháy nổ ở các chung cư cần được tiến hành
thường xuyên. ẢNH: Dũng Minh
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng nhiều dự án chưa hoàn thiện nhưng đã ép dân nhận bàn giao. Đơn cử như dự án Dự án CT1 Vân Canh (Khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZLand) gửi thông báo yêu cầu nộp tiền theo tiến độ để nhận bàn giao nhà trong khi hạ tầng chưa hoàn thành.
Gần đây nhất, cư dân phản ánh hệ thống PCCC tại tòa nhà C thuộc dự án Vinaconex 2 - Golden Silk, Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai - Hà Nội) dù chưa được cơ quan chức năng kiểm định, cấp phép nhưng đã bàn giao nhà cho người dân.
Thực tế, ở một số tòa nhà cao tầng đã xảy ra các vụ cháy khiến người dân hoảng sợ.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội thừa nhận tình trạng nhiều tòa nhà cao tầng chưa được nghiệm thu về hệ thống PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng.
“Đây là vấn đề rất nóng, tăng nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người dân khi xảy ra sự cố”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nói và cho biết thêm, thống kê đến 31/12/2016, trên địa bàn Thủ đô có 1.077 nhà cao tầng các loại, bao gồm cả tòa nhà văn phòng, nhà chung cư, nhà đa năng… Vấn đề PCCC ở các nhà cao tầng này còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến nguy cơ rủi ro cao khi có sự cố.
Vấn đề đầu tiên là hệ thống giao thông phục vụ chữa cháy bị lấn chiếm. Theo quy định, xung quanh các tòa nhà không được trồng cây cao thành hàng, không được kéo dây diện xung quanh nhưng thực tế đều bị lấn chiếm làm kinh doanh, làm chỗ đỗ xe ô tô, trồng cây cao làm cảnh quan dẫn đến khi có cháy, xe cứu hỏa khó tiếp cận.
Thứ hai là dù đã xảy ra nhiều vụ cháy nhưng ý thức PCCC của một bộ phận chủ đầu tư và cư dân vẫn không tốt. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng tại một số khu chung cư, buồng thang thoát nạn bị lấn chiếm, sử dụng làm kho để hàng hóa, đồ đạc không cần thiết. Khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy chỉ lên tới 56 m tương đương với tầng 15 - 16.
Để đảm bảo an toàn PCCC với những nhà cao tầng vượt quá độ cao này, các tòa nhà phải có giải pháp tự đảm bảo công tác an toàn - chính là buồng thang thoát nạn kín, có áp suất dư để khói độc bị hút ra ngoài, có đèn chiếu sáng sự cố, có cửa chống cháy chịu được 45 phút.
Nếu chủ đầu tư làm tốt, làm đúng, người dân chấp hành nghiêm chỉnh thì khi không may xảy ra cháy nổ, người dân vào đó có thể yên tâm. Nhưng thực tế buồng thang này bị lấn chiếm, người dân mở cửa để lấy sáng, chủ đầu tư không bảo dưỡng, bảo trì đúng quy định. Nhiều tòa nhà, đèn chiếu sáng gặp sự cố hỏng hóc, hệ thống quạt tăng ấp không hoạt động tốt, không đảm bảo áp suất dư. Bảo dưỡng theo kỳ 6 tháng.
Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng cảnh báo nguy cơ tăng rủi ro khi các hộ dân cho thuê văn phòng làm gia tăng trang thiết bị điện dẫn đến quá tải, tăng mật độ người, ảnh hưởng việc thoát nạn khi xảy ra sự cố.
“Chúng tôi kiểm tra thường xuyên, mỗi quý một lần, đã nhắc nhở, phạt rất nặng nhưng sự chuyển biến của chủ đầu tư và người dân chưa tốt do nhiều lý do, trong đó có cả điều kiện khách quan như vấn đề kinh phí”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Với tình trạng công trình chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã phân loại và mời tất cả chủ đầu tư lên để cùng làm việc, thống nhất phương án xử lý vì có nhiều vấn đề tồn tại. Đồng thời, hướng dẫn các chủ đầu tư giải pháp khắc phục và 100% các công trình đã có giải pháp. Chủ đầu tư cam kết thực hiện các giải pháp đảm bảo hệ thống PCCC theo đúng quy định. Nhiều công trình đã có tiến triển và được nghiệm thu.
Riêng với Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Điện Biên, Cảnh sát PCCC đã tích cực làm việc với chủ đầu tư và chủ đầu tư cam kết đến 30/5/2017, sẽ nghiệm thu đầy đủ nếu không sẽ chịu trách nhiệm.
“Với các công trình chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư và sau đó là chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ở địa phương”, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định và cho biết, thời gian tới, Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý thật nghiêm các cơ sở vi phạm quy định PCCC.