SearchNews

Hà Nội thiếu phong cách kiến trúc riêng

25/04/2008 08:35

Những tòa nhà cổ kính lai tạp hiện đại, đô thị không có quy hoạch rõ ràng, phố cổ và phố cũ thiếu quy chế quản lý... là một số nguyên nhân khiến hình ảnh Hà Nội đang tồn tại giống như nàng công chúa Lọ Lem "mang đầy những vết sẹo".

Những tòa nhà cổ kính lai tạp hiện đại, đô thị không có quy hoạch rõ ràng, phố cổ và phố cũ thiếu quy chế quản lý... là một số nguyên nhân khiến hình ảnh Hà Nội đang tồn tại giống như nàng công chúa Lọ Lem "mang đầy những vết sẹo".

Năm 2000, Viện Nghiên cứu Kiến trúc nay là Viện Quy hoạch Kiến trúc Đô thị và Nông thông (Bộ Xây dựng) đã bàn về quy hoạch phát triển Hà Nội đến năm 2020. Có 4 tiêu chí được đưa ra để đảm bảo hài hòa giữa tính hiện đại và dân tộc. Thế nhưng đến nay, nhiều nhà nghiên cứu kiến trúc, quy hoạch, bảo tồn di sản... đều vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Kiến trúc Hà Nội có bản sắc gì khác so với các thủ đô trên thế giới?"

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, giảng viên ĐH Xây dựng, đã đưa ra minh chứng cụ thể nhất: "Nếu 20 năm trước, Hà Nội là một nàng công chúa Lọ Lem thì nay, Hà Nội là một cô gái mang trên mình 7 vết sẹo khó tẩy". Có thể thấy rõ cấu trúc tổng thể về kiến trúc, quy hoạch của Hà Nội hiện nay đang bị phá vỡ. Nhà ống mọc tran lan trên các khu phố, dù mới mở hay đã cũ. Đô thị mới nhiều như nấm, nhưng không gian công cộng, khoảng xanh lại rất ít. Các khu phố cũ, phố cổ hỗn tạp, không được quan tâm tu bổ. Không gian mặt nước ngày càng thu hẹp và làng trong các khu đô thị đang dần biến mất.

Cũng chia sẻ ý kiến này, nguyên kiến trúc sư trưởng Hà Nội, Đào Ngọc Nghiêm, cho rằng, lý do khiến Hà Nội "lai tạp" như hiện nay là bởi chưa có một giải pháp đồng bộ về quy hoạch cũng như người dân chưa có được nhận thức thật rõ ràng về kiến trúc và việc gìn giữ những thứ được gọi là "tài sản" liên quan đến kiến trúc, ít nhất như người dân Hội An đang làm.

"Nên tập trung tạo nét độc đáo riêng cho Hà Nội thông qua các khu vực đặc trưng như phố cổ hay phố cũ. Bởi hiện nay, khu phố cổ hoàn toàn chưa có bất kỳ điều lệ chính thức nào về quản lý, dù việc này đã được bàn bạc từ lâu. Cần xác định một tiêu chí kiến trúc khu phố cổ, quản lý phố cổ không chỉ mặt văn hóa vật thể mà cả phi vật thể là phong cách, văn hóa...", ông Nghiêm cho biết.

Hơn một năm trước đây, giảng viên Tạ Quỳnh Hoa của ĐH Xây dựng Hà Nội đã có một đề án nghiên cứu chỉnh trang mặt phố cổ Hà Nội và được đánh giá khá cao. Đề án tập trung vào thí điểm cải tạo mặt đứng của khu phố Hàng Buồm, thống nhất sử dụng một loại mái hiên di động nhằm cải thiện cảnh quan. Hệ thống thùng rác cũng được bố trí cố định... Thế nhưng đến nay, ảnh hưởng của đề án chưa rõ ràng và phố cổ vẫn phát triển theo kiểu rất tự phát.  

Không chỉ khu phố cổ, để xây dựng một thủ đô hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc, cũng cần chú ý tới cả quy hoạch các tuyến phố cũ. Đây là những dãy phố khá đẹp, là tài sản lâu đời của Hà Nội. Thế nhưng hiện tại, không một ai biết ranh giới các khu phố cũ và cũng chẳng biết sẽ phải làm gì để bào tồn. Ông Nghiêm cũng nói thêm rằng, Hà Nội còn rất nhiều các công trình kiến trúc có giá trị, nếu không xác lập một hệ thống danh mục những công trình như vậy, những "tài sản" này sẽ sớm "rơi vào quên lãng".

Mới đây, trong cuộc hội thảo "Kiến trúc Hà Nội hướng tới 1.000 năm Thăng Long", kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung chán nản: "Chưa ở đâu mà hệ thống dây diện, điện thoại... lại loằng ngoằng như ở Hà Nội và chắc hẳn một phần tư trong số đó không hề dùng đến. Biển quảng cáo cũng loạn. Tại sao không tìm một giải pháp mới, chẳng hạn thay vì in số điện thoại lung tung như hiện nay, có thể giao cho mỗi cụm dân cư nghiên cứu, lập phương án kinh doanh. Như vậy, vừa văn minh lại vừa có thêm nguồn thu...".

Tuy nhiên, ông Trương Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Hoàn Kiếm cho rằng việc bảo tồn, quản lý khu phố cổ của Hà Nội sẽ khác biệt rất nhiều với Hội An. Lý do đơn giản là bởi người Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng ý thức sâu sắc về lợi ích của bảo tồn sẽ mang lại những giá trị kinh tế lớn. Còn ở Hà Nội, các khu phố thương mại đã được hình thành từ lâu. Người dân hầu hết chỉ mong muốn có nhà to, diện tích rộng để tiện cho kinh doanh. Nhưng ông Hải cho biết, quận Hoàn Kiếm và Hà Nội trong thời gian tới sẽ tập trung tôn tạo khu phố cổ kiểu mẫu để góp phần thay đổi nhận thức của người dân, khuyến khích họ tham gia bảo tồn phố cổ, chứ không dùng biện pháp hành chính.

Trước mắt, đến năm 2010, quận Hoàn Kiếm sẽ có quy hoạch chi tiết 1/500 khu phố cổ. Các công việc tiếp theo sẽ sớm được thực hiện sẽ bao gồm thiết kế ô phố cổ bảo tồn cấp một (rộng khoảng 19,2 ha); lát đá toàn bộ 76 tuyến vỉa hè; hình thành phố chuyên doanh chẳng hạn như đông dược ở Lãn Ông, tơ lụa ở Hàng Gai; hình thành không gian đi bộ với 5 tuyến Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Hàng Giầy và Hàng Buồm...

Linh Hương

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu