"Cứ mỗi lần vào nhà vệ sinh là phải đội nón… tránh dột. Có đêm, cả một mảng vữa trần rộng hơn cái mâm rơi xuống cuối giường", người dân ở tập thể Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng tâm sự.
Hải Phòng có 220 lô nhà tập thể 2 - 5 tầng, trong đó Công ty Kinh doanh nhà Hải Phòng quản lý 159 lô với 4.700 hộ sinh sống, còn lại là nhà tập thể được các doanh nghiệp, cơ quan giao cho công nhân ở, tự quản lý. Hiện hàng chục lô nhà được xây từ 30-40 năm trước, đang xuống cấp trầm trọng.
Đi vệ sinh phải đội nón
Các khu tập thể Cá hộp, Thủy tinh, Sắt tráng men, Xi măng, Da giày, Đúc đồng… phân bố khắp các quận và nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Do thiết kế các khu tập thể trước đây chủ yếu là tường chịu lực, các sàn tầng được tạo bởi các tấm panen, nay dân tự đấu nối cơi nới thêm nên kết cấu bị biến dạng, tường nứt, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Trong 37 lô nhà cao 2-5 tầng ở khu tập thể Đồng Quốc Bình có 5 lô trong tình trạng có thể gây nguy hiểm cho người dân bất cứ lúc nào. Lô nhà D2 bị lún nghiêng hẳn về phía sau, cả trăm gia đình phải sinh sống trong cảnh tường nứt toác, bê tông trần vữa tróc từng mảng, nước bẩn khu vệ sinh theo vết nứt ngấm xuống nhỏ khắp nơi, mùi khai nồng nặc.
Năm 2008, nhà D2 đã được Công ty Kinh doanh nhà Hải Phòng cho đập bỏ để xây dựng mới thành tòa nhà 11 tầng nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu... vì thiếu vốn đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng, giá thành vượt mức dự tính ban đầu.
"Nhà tôi cũng như hàng chục gia đình ở khu tập thể Vạn Mỹ đang sống khốn khổ trong những căn phòng cũ nát. Cứ vào nhà vệ sinh là phải đội nón… tránh dột. Có đêm, cả một mảng vữa trần rộng hơn cái mâm rơi xuống cuối giường" - ông Trần Thiết Tâm (60 tuổi), Bí thư chi bộ tổ dân cư nhà A9, khu tập thể Vạn Mỹ cho biết.
Hầu hết các lô nhà 5 tầng ở khu tập thể Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền đều xuống cấp nặng nề. Tường bên ngoài các lô đều đã tróc lở gần hết, rêu bám xanh lè, thậm chí nhiều chỗ tróc đến trơ cả lõi thép.
Hệ thống ống thoát nước thải làm bằng nhựa và gốm của các nhà đều bị vỡ hoặc rò rỉ. Nước thải từ tầng 5 chảy xuống, ngấm vào khu phụ các tầng dưới nên trần và nhà vệ sinh ở hầu hết các hộ quanh năm sũng nước. Trong đợt bão số 5 vừa qua, chính quyền địa phương đã phải xuống cùng dân trực tiếp chống sập để qua mùa bão.
Bao giờ mới được "lột xác"?
Hơn 30 năm nay, lúc nào ông Nguyễn Văn Tặng ở khu tập thể Đồng Quốc Bình cũng muốn thoát khỏi cảnh sống nhà tập thể nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp nên đành chịu. Ông than thở: Đi làm về là chui vào cầu thang tối tăm, mở cửa ra thì vướng công trình cơi nới của hàng xóm, lúc nào cũng thiếu ánh sáng. Tôi chỉ mong Nhà nước rà soát lại các khu tập thể, khu nào không an toàn thì thanh lý cho dân tự sửa chữa, khu nào xuống cấp quá thì phá dỡ, xây dựng lại khu chung cư phù hợp với hộ dân nghèo.
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh nhà Hải Phòng cho biết: Kết quả khảo sát năm 2010 của Công ty cho thấy có gần 90 lô thuộc nhóm nguy hiểm, 13 lô ở tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa người dân bất cứ lúc nào. Công ty phải cần đến 5-6 tỷ đồng mới có thể sửa chữa, cải tạo các lô này.
Cũng năm 2010, thành phố đã phê duyệt đề án khắc phục tình trạng xuống cấp của các nhà chung cư cũ. Theo đó, các lô nhà tập thể khu Vạn Mỹ sẽ được xây thêm các công trình phụ, mở rộng diện tích để kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm. Và từ nay đến 2015, khu tập thể Đồng Quốc Bình có 22 lô nhà sẽ được dỡ bỏ để xây dựng các khu nhà 15 tầng. Đến năm 2025, toàn bộ nhà tập thể cũ nát sẽ được cải tạo, xây mới.
(Theo Dân Việt)