SearchNews

Hạn chế của những khu đô thị mới

27/10/2008 17:12

Nếu như các khu tập thể cũ 5 tầng trước đây cơ bản được xây dựng để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên chức, thì mô hình khu đô thị mới hiện đã xóa bỏ hoàn toàn bao cấp để chuyển sang kinh doanh và đối mặt với nhiều hạn chế.

Nếu như các khu tập thể cũ 5 tầng trước đây cơ bản được xây dựng để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên chức, thì mô hình khu đô thị mới hiện đã xóa bỏ hoàn toàn bao cấp để chuyển sang kinh doanh và đối mặt với nhiều hạn chế.

Trước khi có mô hình khu đô thị mới, nhắc đến nhà chung cư, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ... Những căn hộ ở đây hầu hết rất chật chội, cơi nới đủ kiểu, cư dân sinh sống thường chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, không có chỗ để xe. Không gian sinh hoạt riêng không được tôn trọng, chăm chút. Thiếu sự quản lý chặt chẽ nên cảnh quan, diện tích sử dụng chung ở những khu tập thể này mất dần. Tuy nhiên, đánh giá về các khu tập thể cũ, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhận xét, những khu nhà này chính là dấu mốc của quá trình công nghiệp hóa ở miền bắc.

Sau các khu tập thể cũ, cách đây 10 năm, khu đô thị mới Linh Đàm, một mô hình nhà chung cư mới, do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư được khởi công, khởi động mô hình đô thị mới trên địa bàn thủ đô và cũng là khu đô thị mới đầu tiên trong cả nước. Đến nay, với gần 4.000 căn nhà xây mới, trong đó có 3.150 căn hộ chung cư cao tầng, tổng diện tích cây xanh đạt hơn 31,5 ha, Linh Đàm đã trở thành một khu dân cư đô thị hoàn chỉnh. Từ việc chăm sóc cây xanh, thu gom vận chuyển rác thải, duy tu sửa chữa công trình, cung cấp điện, nước, khí đốt, bảo đảm an ninh trật tự... đến dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao đều được thực hiện đồng bộ, là điều kiện cho cư dân trong khu đô thị hưởng thụ môi trường sống tiện nghi, chất lượng. Yếu tố tạo nên sự thành công của khu đô thị Linh Đàm là quy hoạch không gian kiến trúc hài hòa, chất lượng sống và môi trường sinh thái được bảo đảm, việc tổ chức cung ứng dịch vụ quản lý, vận hành khu đô thị đã mang lại một tư duy mới về nhà chung cư.

Sau Linh Đàm, đến năm 2005, Hà Nội đã triển khai hơn 180 dự án khu đô thị mới, với 2.500 ha đất, tạo ra 25-30 triệu m2 sàn nhà ở, gồm cả công trình hạ tầng. Từ năm 2006 đến tháng 5/2008, thành phố phê duyệt 43 đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị mới, trong đó năm 2006-2007 và 6 tháng đầu năm 2008 đã xây dựng 3,9 triệu m2 nhà ở. Bên cạnh các khu đô thị mới, Hà Nội đang cải tạo lại các khu tập thể cũ theo hướng cải thiện môi trường sống của người dân, như mô hình của các khu đô thị mới.

Nếu các khu tập thể cũ cơ bản được xây dựng để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho cán bộ thì khu đô thị mới đã xóa bỏ hoàn toàn bao cấp để chuyển sang kinh doanh. Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, Đỗ Hoàng Ân, những người vào ở trong khu đô thị mới chủ yếu là người có tiền, có quan hệ. Còn bộ phận không nhỏ người nghèo, người làm công ăn lương, thu nhập thấp chưa là đối tượng được chú ý phục vụ. Thực tế trong các dự án khu đô thị mới, rất ít loại hình căn hộ diện tích nhỏ, nội thất trung bình, ít tiền. Nhiều khu, trong cơ cấu sử dụng đất không có diện tích để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội.

Phần lớn chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây nhà kinh doanh giá cao, bán thu tiền ngay. Quy luật lợi nhuận của kinh tế thị trường đã được các nhà đầu tư áp dụng triệt để. Đặc biệt, suốt thời gian dài vừa qua, trong quá trình hoàn thiện dần về cơ chế chính sách quản lý đất đai, quản lý phát triển đô thị, đã có nhiều kẽ hở về chính sách giá, nhất là giá trị chênh lệch từ việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất đô thị. Không ai quản lý, kiểm tra, xác lập rõ việc doanh nghiệp, chủ đầu tư có sử dụng lành mạnh lợi nhuận thu được sau đầu tư để mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống của người lao động hay không.

Cũng do tập trung thu hồi vốn đầu tư nên có tình trạng khi quy hoạch thì có công trình hạ tầng xã hội nhưng khi xây dựng thì chỉ có nhà ở. Hầu hết các công trình này, chủ đầu tư đợi chuyển giao cho chủ đầu tư thứ phát, hoặc đưa sang giai đoạn II, hay bố trí tại những lô đất khó giải phóng mặt bằng. Có nơi, chủ đầu tư bỏ vốn xây trường học theo mô hình dân lập, với mức học phí rất cao, không phù hợp với đại đa số người dân, nhất là khu vực dành cho tái định cư giải phóng mặt bằng. Tình trạng này được nhân dân kiến nghị nhiều, song chưa được giải quyết thỏa đáng. Đây là hạn chế của các khu đô thị mới so với các khu tập thể trước đây.

(Theo Hà Nội Mới)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu