|
Hình ảnh một dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. (Ảnh: Lê Anh) |
HoREA ngày 16/11 vừa qua đã có văn bản số 120 gửi tới các bộ, ngành, Chính phủ kiến nghị những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Việc đặt cọc tiền thuê nhà ở xã hội là một trong những điểm đáng chú ý trong kiến nghị của Hiệp hội. Khoản 6, Điều 21, Nghị định 100/2015 quy định, trách nhiệm của người thuê nhà ở xã hội là nộp trước một khoản tiền cọc cho bên cho thuê theo thỏa thuận của đôi bên. Khoản cọc này tối thiểu không thấp hơn 3 tháng tiền thuê nhà và tối đa không vượt quá 12 tháng. Đây là quy định nhằm mục đích đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người thuê nhà ở xã hội.
Theo HoREA, khoản tiền đặt cọc nói trên quá nặng và cao gấp nhiều lần so với thực tế. Việc đặt cọc thuê nhà ở thương mại cũng chỉ phổ biến từ 1-3 tháng. Thế nên, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ quy định tiền cọc thuê nhà ở xã hội bằng 1-3 tháng tiền thuê nhà như thông lệ hiện nay. Đối với người thuê nhà ở xã hội, việc này sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng về mặt tài chính.
Liên quan đến lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, theo kiến nghị của Hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội thống nhất, cùng loại lãi suất chứ không nên để các ngân hàng đưa ra nhiều mức lãi suất khác nhau trong khung lãi suất được quy định.
Xét về lâu dài, HoREA kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội trong khoảng 3-3,5% mỗi năm trong bối cảnh nền kinh tế phát triển. Mục đích là để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người thu nhập thấp sở hữu nhà ở.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online