Theo nhiều chuyên gia bất động sản, để hạn chế tối đa hoạt động đầu cơ, làm méo mó giá cả thị trường BĐS như trước đây… cần hướng dòng vốn tín dụng vào cầu BĐS hơn là cung BĐS, đặc biệt ưu đãi cho nhu cầu nhà ở thật sự như nhà ở xã hội (NƠXH)
Thời gian qua, giao dịch tại các phân khúc nhà ở của thị trường BĐS có nhiều tín hiệu phục hồi, tăng trưởng tích cực. Đây cũng được đánh giá là cơ hội đầu tư tốt để các ngân hàng đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực BĐS, trong đó ưu tiên tập trung cho vay các dự án BĐS sắp hoàn thành, các dự án phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp, lao động ở KCN và các đối tượng chính sách khác với lãi suất phù hợp, kèm theo ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại BĐS khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án BĐS, nhà ở cao cấp…
Hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực (ảnh minh họa, nguồn: internet)
GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết, năm 2015, thị trường BĐS đang trong trạng thái phục hồi sau giai đoạn trầm lắng. Để thị trường BĐS có nhiều cơ hội phát triển tốt hơn, cần tập trung xác định nguồn tín dụng trung hạn và dài hạn nào có thể tận dụng được để phát triển NƠXH, nhà ở cho thuê, cải tạo chung cư cũ nói riêng và cho thị trường BĐS nói chung.
Chúng ta có thể tiếp cận vốn trung hạn và dài hạn thông qua việc tiếp tục mở chính sách được thế chấp bằng BĐS ở Việt Nam tại các tổ chức tín dụng nước ngoài thông qua việc mở chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở gắn với đất ở…
Ngoài ra, cơ chế cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, người có thu nhập thấp cũng cần được điều chỉnh lại trên nguyên tắc thực hiện các tín dụng nhỏ với sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội. Với mục đích trên hết là giúp người nghèo có cơ hội cải tạo nhà đang ở bằng chính hoàn cảnh sống của họ.
Về phía Ngân hàng Nhà nước nên chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các gói sản phẩm tín dụng dài hạn với lãi suất phù hợp phục vụ hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà để ở…
Thực tế cho thấy, thị trường BĐS trong thời gian qua đang hoạt động với nhiều luồng vốn đầu tư như: Vốn tự có của các nhà đầu tư trong nước, vốn do nhà đầu tư dự án huy động trực tiếp từ người mua BĐS, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại…
Tuy nhiên những dòng vốn này lại không được sử dụng đúng mục đích, và không có sự kiểm soát chặt chẽ… dẫn đến xảy ra tranh chấp BĐS giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Chính vì vậy, để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới, một số chuyên gia BĐS cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát triển nhà ở, thị trường BĐS.
Bên cạnh đó thực hiện tốt công tác rà soát dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới và mạnh tay xử lý các dự án vi phạm pháp luật, thu hồi các dự án không phù hợp, không có tính khả thi…
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần tiếp tục kiểm soát cho vay lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, phù hợp nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn cho vay.
Đặc biệt, cần có gói tín dụng dành cho người có nhu cầu thực được vay tiền để mua, thuê mua nhà ở với lãi suất và thời hạn vay phù hợp, thủ tục thế chấp, bảo lãnh linh hoạt, tạo điều kiện để người dân có thu nhập ổn định có khả năng mua và thuê mua nhà ở, tạo đầu ra cho thị trường BĐS và tính thanh khoản cho tín dụng BĐS...