SearchNews

Khổ vì nợ đất bằng vàng

08/07/2007 10:10

Hàng nghìn hộ dân phải giải tỏa ở Đà Nẵng đang ngồi trên lửa khi thời hạn 10 năm trả nợ tiền đất đã cận kề. Số vàng họ nợ tiền mua đất lên đến mấy tấn. Nếu ngày trước dân vui mừng bao nhiêu khi được cho nợ nhiều thì giờ đây họ lại méo mặt bấy nhiêu vì giá vàng cao.

Hàng nghìn hộ dân phải giải tỏa ở Đà Nẵng đang ngồi trên lửa khi thời hạn 10 năm trả nợ tiền đất đã cận kề. Số vàng họ nợ tiền mua đất lên đến mấy tấn. Nếu ngày trước dân vui mừng bao nhiêu khi được cho nợ nhiều thì giờ đây họ lại méo mặt bấy nhiêu vì giá vàng cao.

Năm 1997 là thời điểm cả Đà Nẵng bắt đầu sôi động với đền bù, giải tỏa, mà dự án đường Bạch Đằng Đông là một điển hình. Hàng nghìn hộ dân nghèo bên bờ đông sông Hàn phải giải tỏa về sống tại các khu dân cư An Mỹ, An Trung (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Theo lời bà bà Đặng Thị Phiên (tổ 19, An Mỹ), sau khi giải tỏa năm 1997, nhà bà được thành phố bán lại một lô đất với giá 82,8 triệu đồng (tương đương 180 chỉ vàng). Cả nhà bà mừng khi nghe tin thành phố cho nợ 100% số tiền sử dụng đất nói trên trong thời hạn 5 năm.

Vậy là số tiền đền bù trước đó được bà dùng xây nhà mới, một ít còn lại mua sắm vài vật dụng trong nhà. Chưa biết lấy gì trả nợ khi hạn 5 năm đã đến (năm 2002), bà Phiên lại vui thêm lần nữa khi có thông báo gia hạn tiền nợ sử dụng đất lên 10 năm.

Tương tự, gia đình ông Lê Đức Được (tổ 29, An Trung II) cũng bị giải tỏa 2.629 m2 để giao đất cho ban quản lý các dự án công trình đường Bạch Đằng Đông (ban quản lý Bạch Đằng Đông). Số tiền gia đình ông được đền bù là 45 triệu đồng. Đổi lại ông được bán cho một lô đất với giá 23 triệu đồng. Dành 15 triệu đồng trong khoản tiền đền bù ông đem trả Nhà nước, 8 triệu đồng còn lại (tương đương 12 chỉ vàng T98) ông xin nợ 10 năm. Vào thời điểm đó với một hộ có đến 8 miệng ăn như gia đình ông thì việc được nợ 8 triệu đồng là một niềm vui quá lớn.

Thời hạn nợ 10 năm cũng đến. Lúc này ngồi nhẩm tính lại cả bà Phiên, ông Được đều tá hỏa khi thấy số tiền nợ của mình đã tăng gấp ba lần. Bởi giá vàng đã tăng từ 460.000 đồng/chỉ vào năm 1997 lên gần 1,3 triệu đồng/chỉ vào đầu tháng 7. Như vậy, số tiền mà bà Phiên phải trả lên đến 234 triệu đồng. Tương tự, số tiền ông Được phải trả là 15,6 triệu đồng.

Tràn ngập đơn cứu xét

Theo đúng kỳ hạn, bắt đầu từ tháng 7 này, ban quản lý Bạch Đằng Đông gửi giấy đến 112 hộ dân nằm trong dự án giải tỏa đầu tiên năm 1997 để đòi tiền nợ đúng theo giao ước. Thế nhưng chỉ sau vài ngày giấy nợ về đến tay người dân thì cả phía các ban quản lý dự án lẫn chính quyền thành phố đã ngập tràn đơn xin cứu xét, đơn xin được trả tiền nợ theo giá gốc.

Một cán bộ của ban quản lý Bạch Đằng Đông tính nếu dựa theo đơn giá khoảng 1,3 triệu đồng/chỉ vàng như hiện nay thì số tiền quy ra vàng (6.366 chỉ vàng) của 112 hộ dân còn nợ này phải trả lên đến 8,27 tỷ đồng, gấp gần ba lần so với số tiền nợ năm 1997. “Chúng tôi đã đi khảo sát thực tế cho thấy có rất nhiều hộ không thể nào trả nổi nợ. Thậm chí có nhà nếu trả nợ theo giá gốc cũng không thể. Tuy nhiên đến hạn thì phải hối thúc thôi”, cán bộ này nói.

Theo đơn thư cứu xét khẩn thiết của bà Phiên gửi đến UBND thành phố Đà Nẵng do “không đủ tiền nộp nên đã không thể làm được sổ nghiệp chủ nhà, do đó không thể nào làm thủ tục thừa kế cho các con được trong khi tuổi đã già”.

Mong muốn của bà Phiên là được thành phố xem xét cho bà trả nợ theo giá gốc là 82,8 triệu đồng thay vì phải trả 234 triệu đồng như hiện nay. Còn với ông Được thì cầu xét: “Cấp trên cho tôi được xóa nợ hoặc có phương án khác, miễn là đừng trả tiền theo giá vàng hiện thời”.

Rất nhiều người dân thắc mắc trong khi các địa phương khác tính lợi cho dân bằng cách cho họ được trả nợ theo vàng đúng bằng số tiền nợ gốc nhân với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (khoảng 0,2%/tháng) thì thành phố Đà Nẵng không áp dụng hình thức này.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “UBND thành phố vừa giao trách nhiệm cho Sở Tài chính đề xuất giải pháp thu nợ đối với các hộ nợ tiền sử dụng đất đã được quy đổi ra vàng. Làm sao người dân không bị thiệt mà Nhà nước vẫn không bị thất thu”. Đây chính là điều mà hàng nghìn hộ dân vùng giải tỏa vốn đã chịu nhiều thiệt thòi đang trông ngóng từng ngày.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu